Mầm xanh sau lũ dữ
VOV.VN - Bão lũ kéo dài từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2020 càn quét khắp Trung bộ và một phần Bắc Tây Nguyên, để lại hậu quả to lớn và ghi vào lịch sử phòng chống thiên tai của Việt Nam dấu mốc mới: “Lũ lụt miền Trung năm 2020”. Nhưng hôm nay, mầm xanh đã vươn lên sau lũ dữ...
“Sau lũ, chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư, vốn liếng để phục hồi sản xuất, hỗ trợ phân bón cho bà con xã viên. Huyện tỉnh hỗ trợ về xã, xã đưa về cơ sở rất kịp thời. Xây dựng NTM đã tạo điều kiện cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế vững vàng, tình cảm làng xóm ấm áp, sẻ chia ngay cả khi nước ngập quá đầu”, bà Nguyễn Thị Văn, HTX sản xuất rau an toàn và dịch vụ thương mại xã Cẩm Vịnh cho biết.
Những ngày tháng không quên
Dù lũ dữ đã qua đi hơn một tháng, dù sống ở khúc ruột miền Trung gần một thế kỷ, quen với mưa dồn bão góp, nhưng nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh vẫn thảng thốt khi nhắc lại trận lũ lụt lịch sử, lũ chồng lũ ở miền Trung năm 2020. Đó là những ngày tháng không thể nào quên. Nhà cửa bị nước ngập đến tận nóc, chơ vơ như ốc đảo, trâu bò, lợn gà trôi theo dòng nước. Trước mắt là biển nước mênh mông...
Thành phố Hà Tĩnh ngập sâu trong nước, chị Trần Thị Hoài - nhân viên khách sạn Bình Minh - cố gắng về nhà ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên cách 20km, nhưng nước lũ dâng nhanh, cả người và xe bị cuốn trôi, may được canô cứu hộ của công an vớt và đưa về nhà người quen ở gần đó. Sốt ruột trước cảnh bố mẹ chồng ngoài 70 và 3 đứa con mà đứa lớn mới lên 9 bị cô lập giữa biển nước, chị Hoài lên mạng xã hội kêu cứu. Đọc được tin này, một thanh niên gần nhà đã bơi chiếc bo bo đến cứu mẹ chồng và 3 con nhỏ của chị, còn bố chồng chị cùng con trâu bị nước lũ cuốn nhưng mắc vào rặng phi lao đầu làng nên thoát chết.
Thời điểm ngập cao nhất (19/10/2020), cả huyện Cẩm Xuyên có 150 thôn thuộc 19 xã, thị trấn bị ngập úng. Ngay trong đêm 17 rạng sáng 18/10, khi chưa có thông tin về xả lũ hồ Kẻ Gỗ, với kinh nghiệm nhiều năm, Cẩm Xuyên đã nhanh chóng di dời 10.900 hộ với 32.700 nhân khẩu từ các vùng ngập sâu, bị cô lập đến nơi an toàn.
Con số thống kê cho thấy trận “đại hồng thủy” năm 2020 đã vượt mức lịch sử tại nhiều tỉnh miền Trung. Trong đó, Hà Tĩnh “nhận” bốn kỷ lục: Trận mưa lớn nhất kéo dài nguyên một ngày, từ 11h ngày 18 đến 11h ngày 19/10/2020; Thời gian mưa kéo dài nhất, suốt 53 giờ 25 phút (từ 11h10 ngày 17 đến 16h35 ngày 19); Đợt mưa có lượng mưa lớn nhất, với 1.384mm, khiến mức ngập lụt các vùng Hà Tĩnh cao hơn năm 2010 từ 0,5 - 1m; Tháng có tổng lượng mưa lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Tổng thiệt hại của Hà Tĩnh ước tính hơn 5.327 tỷ đồng.
Lũ đến, tình về
Lũ đã qua đi hai tháng, nhưng khi gặp chúng tôi ở thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, ông Thế, một lão nông gần 70 tuổi, cùng nhiều người dân xung quanh vẫn chưa hết cảm kích bởi sự ấm áp mà bà con vùng lũ đã nhận được trong những ngày tháng 10 đầy gian nguy ấy: Nếu không được cứu hộ, cứu trợ kịp thời thì “bầy tui nỏ biết ra răng” (chúng tôi không biết ra sao): “Cứu trợ từ cây kim sợi chỉ đến đồ ăn thức uống, nến, máy lửa... không có cứu trợ thì bầy tui chết. Gạo được tỉnh, huyện hỗ trợ mỗi khẩu 1 yến, nước sạch cũng được cung cấp”.
Theo ông Phạm Đăng Nhật, Bí thư Huyện ủy huyện Cẩm Xuyên, các đoàn thiện nguyện không chỉ mang đến cho người dân hàng hóa thiết yếu mà còn tham gia cứu hộ khi lũ rút dần: “Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị lực lượng vũ trang, cứu hộ cứu nạn kể cả chính thống và thiện nguyện. Người ta đến thì không thể nắm được vùng nào ngập sâu nhất, vùng nào dân đang khó khăn. Huyện đã chia sẻ thông tin và huy động sự hỗ trợ của mọi lực lượng, giải thoát thành công. Qua hoạn nạn này Cẩm Xuyên vô cùng cảm ơn Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, tỉnh và các huyện bạn, cùng các đoàn thiện nguyện đã chia sẻ với Cẩm Xuyên. Hàng cứu trợ của các đoàn thiện nguyện đến với người dân ngay trong lũ”.
Tại huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đỉnh lũ năm 2020 vượt xa năm 2010, nhưng nhờ sự tương trợ giữa các xã trong huyện, Thạch Hà cố gắng hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Rồi khi lũ rút, xã bị thiệt hại nhẹ đến giúp đỡ xã thiệt hại nặng, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh. Các trường sớm khôi phục việc dạy và học. Cùng với đó là tập trung phục hồi sản xuất để đảm bảo đời sống cho bà con.
Mầm xanh ở chân ruộng, góc vườn
Về Hà Tĩnh những ngày cuối năm, không dễ nhận ra vùng đất vừa trải qua “đại hồng thủy”. Dấu tích mưa lũ chỉ còn in vệt loang lổ trên những bức tường. Hà Tĩnh đang nỗ lực tái thiết, nỗ lực hồi sinh. Những cánh đồng rau bắt đầu nhú mầm xanh. Khoai tây đang vươn ngọn. Thóc ướt được tãi ra phơi trước sân nhà.
Bất chấp buốt giá, chị Thoan và hàng chục nhà nông xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà vẫn cặm cụi bắt sâu, nhổ cỏ cho những luống rau gia vị non nớt vừa được trồng lại sau lũ. Gác lại thiệt thòi, mất mát do mưa lũ, trong mắt chị Thoan ánh lên nụ cười: “Mất thì mất nhiều nhưng cũng được giúp đỡ nhiều. Nhà em được hỗ trợ gạo, mì tôm, giống gà. Giống lợn và giống rau thì chưa được hỗ trợ, dân vẫn phải mua. Nhưng em thấy sự quan tâm như thế là rất ấm lòng rồi. Tiếc đất, tiếc ruộng nên gió rét cũng ra làm tiếp để còn có tiền ăn Tết”.
Một kinh nghiệm được chính quyền và người dân Hà Tĩnh ghi nhận: Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) lan rộng trong toàn tỉnh góp phần không nhỏ hạn chế thiệt hại trong và sau lũ. Đường nông thôn thông thoáng hơn, khi nước lên, thuyền máy, canô cứu hộ, cứu trợ tiếp cận dễ dàng hơn, không bị vướng cành cây, rào gai như trước đây. NTM giúp đời sống người nông dân được cải thiện, nhà cửa khang trang, rộng rãi và được xây cao hơn, trở thành điểm di dời tại chỗ trong đêm. Người dân khu vực hạ du hồ Kẻ Gỗ có tiền để sắm sửa thuyền bè đi đánh bắt cá trên hồ. Chính những chiếc thuyền này đã trở thành phương tiện cứu hộ tại chỗ trong đêm 17/10/2020.
Bí thư Cẩm Xuyên Phạm Đăng Nhật chia sẻ, “Hàng dự trữ Quốc gia được phân bổ rất kịp thời giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Nhờ nguồn lực cứu trợ đó, nhân dân có cuộc sống no đủ ngay trong lụt bão để họ có thời gian tái tạo sản xuất, sửa chữa nhà cửa, cải tạo lại vườn tược, sắm sửa lại phương tiện sản xuất, trâu bò. Đến nay, sản xuất và cuộc sống gần như trở lại bình thường”.
Huyện Thạch Hà được Bộ NN&PTNT cùng các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 117.000 con gia cầm giống, 38 con bò. Bởi vậy, huyện tích cực vận động bà con nông dân ra đồng để tranh thủ thời tiết thuận lợi khôi phục sản xuất. Sản xuất đã ổn định trở lại và nhà nông đã bắt đầu có thu nhập trên đồng và trong vườn.
Đầu tháng 1/2021, Hà Tĩnh khởi công xây dựng 10 nhà cộng đồng chống lũ ở những vùng trọng điểm thuộc các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh. Phấn đấu trong thời gian tới sẽ xây dựng ở mỗi huyện, thị xã, thành phố ít nhất 2 nhà cộng đồng chống lũ. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra, trong đó phần kinh phí dành cho Hà Tĩnh là 8,43 tỷ đồng.
Hà Tĩnh vẫn cần sự hỗ trợ của Trung ương về các loại giống phục vụ sản xuất vụ Đông và Đông Xuân; hỗ trợ kinh phí triển khai Dự án Tăng cường khả năng thoát lũ vùng hạ du hồ chứa Kẻ Gỗ; cùng các khoản hỗ trợ nghiên cứu giải pháp tăng khả năng phòng lũ của hồ chứa; sửa chữa, khắc phục, mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện, trường học bị thiệt hại; khôi phục các công trình hạ tầng....
Hà Tĩnh còn nhiều việc phải làm, nhưng đã thấy mầm xanh vươn lên ở từng chân ruộng, góc vườn, nơi vừa mới đây nước phủ trắng bờ./.