Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ trong xây dựng nông thôn mới
VOV.VN - Ngày 11/8, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới” cho cán bộ MTTQ Việt Nam các tỉnh ĐBSCL.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Nhiều đại biểu đã đề cập các giải pháp, cơ chế cần thiết để MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở; các nội dung, lĩnh vực giám sát; các điều kiện và các nguồn lực đảm bảo gồm nguồn lực về cán bộ, con người; điều kiện kinh phí và các phương tiện hỗ trợ… cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát.
Cụ thể như việc xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dung giám sát phải phù hợp yêu cầu của từng địa phương. Nội dung giám sát tập trung thực hiện các tiêu chí về môi trường, quy hoạch cơ sở hạ tầng, kết quả thực hiện các tiêu chí về nhà ở, phát triển ngành nghề, làng nghề, cơ sở y tế, trường học, an ninh trật tự... Đặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong giám sát xây dựng nông thôn mới, để kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, thời gian qua, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng. Nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát... Tuy nhiên, công tác giám sát của MTTQ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: công tác tổ chức triển khai giám sát ở một số nơi còn lúng túng, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình giám sát; việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, tiếp thu, phản hồi sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao.
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, các ý kiến trao đổi tại buổi Tọa đàm giúp cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn cần thiết để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung, cơ chế trong chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các Chương trình nông thôn mới nói chung và công tác giám sát của MTTQ trong xây dựng nông thôn mới nói riêng. Để từ đó từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới; đây cũng là mục tiêu hướng tới của Chương trình Mặt trận Tổ quốc xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.