Người dân Khánh Hòa dần thích nghi với cuộc sống trong khu phong tỏa
VOV.VN - Người dân sống trong các khu cách ly, phong tỏa tại tỉnh Khánh Hòa đang từng bước vượt qua khó khăn, thích nghi dần với cuộc sống trong khu phong tỏa.
Ngày 13/7 là ngày thứ 5 tỉnh Khánh Hòa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh. Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp khi địa phương này còn ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng.
Đến nay, khu vực Hòn Rớ, gồm 4 thôn: Phú Thọ, Phú Thịnh, Thành Phát, Thành Đạt thuộc xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang đã bị phong tỏa 10 ngày, sau khi dịch bệnh bùng phát từ cảng cá Hòn Rớ và Chợ đầu mối thủy sản Nam Trung bộ. Đây là ổ dịch đầu tiên, sau đó, lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa.
Đến nay, khoảng 2.500 hộ dân, với khoảng 7 ngàn nhân khẩu bị ảnh hưởng. Tại đây đã ghi nhận hơn 20 ca dương tính cùng hàng trăm trường hợp F1 đi cách ly tập trung. Bà con nơi đây chủ yếu làm biển “có cái chân quen đi”. Từ ngày bị tạm thời phong tỏa, rồi thực hiện Chỉ thị 16, mọi người được yêu cầu chỉ được ra đường khi cần thiết.
Trong những ngày đầu, những thói quen như tụ tập ăn nhậu, cà phê vẫn còn diễn ra, ngay lập tức được các Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng nhắc nhở nên tình trạng này giảm hẳn.
10 ngày bị tạm thời phong tỏa cũng là 10 ngày Cảng cá Hòn Rớ tạm dừng hoạt động khiến cuộc sống bà con nơi đây càng thêm xáo trộn. Hàng trăm lao động sống nhờ cảng cá bất ngờ bị mất việc, ngư dân đi biển thì tàu cập cảng khác nên cũng không thể về nhà. Mất nguồn thu nhập, cuộc sống hàng trăm hộ dân lâm cảnh khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang cho biết, khó khăn nhất chính là 300 hộ dân sống chênh vênh bên sườn núi Hòn Rớ. Mấy ngày qua, địa phương đã cấp phát lương thực, thực phẩm, không để ai bị thiếu đói.
“Giai đoạn đầu bà con nhiều người chưa hiểu, bây giờ người ta cũng đã hiểu rồi, không đi ra đường nữa và không gây áp lực cho anh em đóng ở chốt nữa. Đã phong tỏa 10 ngày mà tiếp tục 10 ngày nữa thì bà con rất khổ về công ăn việc làm, không còn tiền mua cái gì hết. Gia đình đông con rất khổ. Bà con làm nghề biển, kiếm được bữa nào ăn bữa đó quen rồi”, bà Hoa nói.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện đang phong tỏa tạm thời hơn 80 khu dân cư để phòng, chống dịch bệnh. Nhiều nhất là ở thị xã Ninh Hòa với 45 khu dân cư; tiếp đến là thành phố Nha Trang với 30 khu dân cư. Các địa phương này cũng đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tại đây, cửa hàng ăn uống không được bán tại chỗ, nhiều chợ tạm cũng đã đóng cửa, chủ yếu là bán hàng qua mạng. Vì thế, việc phòng chống dịch cho những người đưa hàng tới nhà rất được quan tâm.
“Chúng tôi cố gắng vận dụng hết tất cả mọi thứ để phòng dịch, ngăn được thì ngăn. Mọi người tới lấy/chuyển hàng cũng bỏ ở trước cửa hết rồi mình lấy. Còn tiền bạc họ tự động chuyển ngân hàng. Mọi người đều thường xuyên xịt sát khuẩn đồ của mình”, anh Trần Văn Long, dịch vụ vận chuyển đồ ăn ở phía Bắc thành phố Nha Trang cho biết.
Từ đầu tháng 7 đến nay, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 300 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đáng nói, trong số 17 ca mắc mới có 10 ca được phát hiện trong cộng đồng. Số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, tỉnh Khánh Hòa phải đưa vào hoạt động 3 bệnh viện dã chiến, tập trung chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân đang điều trị, người nhà cũng phải cách ly tập trung nên mọi sự tiếp tế đều phải nhờ bạn bè, thân quen.
Chị Phan Thị Oanh, tiếp tế đồ ăn cho một bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 2 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Khánh Hòa cho biết: “Đi tiếp tế đồ, an toàn phòng chống dịch là trên hết nên chúng em đi một đường, không ghé đâu. Nhà em bán tạp hóa, cá, thịt mua thêm. Rất hạn chế đi lại và phải đảm bảo an toàn”.
Hiện nay, khoảng 900.000 người dân tại 3 địa phương ở tỉnh Khánh Hòa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó hơn 3.000 người là F1 phải cách ly tập trung, hơn 6.000 người F2 cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Việc khoanh vùng, truy vết gặp nhiều khó khăn do mầm bệnh đã có trong cộng đồng. Ông Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nhưng phải chăm lo tốt an sinh xã hội.
“Người đứng đầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị tổ chức cứu trợ các vùng đang phong tỏa vì có F0. Phải thực hiện tốt việc chăm lo, đời sống, các đối tượng chính sách, người già, những gia đình nghèo khổ, để tránh trường hợp thiếu đói xảy ra”, ông Tuân nhấn mạnh./.