Người dân tự ý đi xe máy về quê, phải kịp thời hỗ trợ để an tâm ở lại

VOV.VN - Khi nhận thông tin TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội thêm một tháng, trong ngày (15/8), nhiều người dân, nhất là dân ở các tỉnh miền Trung đã quyết định tìm mọi cách đi xe máy về quê, bất chấp việc biết trước sẽ khó qua được các chốt kiểm soát.

 

 

Liều mình đưa con nhỏ 10 tháng tuổi đi xe máy về Nghệ An 

Trong sáng 15/8, tại các cửa ngõ đi về miền Trung và Tây Nguyên như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, rất đông người dân với đồ đạc lỉnh kính chất đầy xe máy, nhiều gia đình còn có trẻ em cùng cha mẹ lên đường về quê. Tai đây, lực lượng chức năng, như: Cảnh sát giao thông, cơ động, dân quân tự vệ và các lực lượng hỗ trợ khác đã giải thích rõ cho người dân các quy định về phòng chống dịch và yêu cầu quay đầu xe. Nhìn chung đa số người dân chấp hành theo hướng dẫn và đến trưa, tình hình tụ tập đã giảm.

Tuy nhiên, đến chiều nay vẫn có rất đông người dân quyết định đi vòng lại các chốt kiểm soát với hy vọng có thể qua được. Đây phần lớn là công nhân, người lao động đã mất việc làm và không còn khả năng trụ lại TP.HCM.

Anh Nguyễn Hồng Đi, làm công nhân ở Hóc Môn đang có ý định về Bình Định bằng xe máy cho biết mình đã trả phòng để về quê nên bây giờ cũng không biết đi đâu: "Tôi đi phụ hồ nhưng dịch không có việc, tiền ăn, tiền trọ đủ thứ hết mà không có tiền cầm cự hết nổi nên phải về".

Còn chị Nguyễn Thị Trinh cho biết, khi TP.HCM có Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội chị và các công nhân quyết định ở trong công trình để đảm bảo quy định phòng chống dịch. Tuy nhiên, do cuộc sống trong công trình khó khăn, đồ ăn thức uống thiếu thốn nên cả nhóm đợi hết Chỉ thị 16 thì quyết định xin về.

Chị Nga (nhân vật xin được đổi tên) cùng chồng chở thêm cậu con trai 10 tháng tuổi đi lòng vòng trên con đường Nguyễn Xiển cùng đoàn người. Chị cho biết gia đình ở trọ trên đường TC3, Mỹ Phước 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, mất việc đã lâu, cũng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ chính quyền, chủ trọ cũng không giảm giá hay hỗ trợ gì nên đành đánh liều về quê. Sau khi làm giấy xét nghiệm, cả hai vợ chồng còn trong người không đến 100.000 đồng trong người nhưng vẫn quyết định về quê.

"Giờ người dân có tiền thì có thể sống được nhưng chúng tôi không có tiền, chủ nhà đòi tiền phòng thì có ai hỗ trợ? Vợ chồng đi làm kiếm tiền để gửi tiền về quê cho ông bà già yếu, cho con cái nhưng bây giờ phải để ông bà già ở quê đi vay tiền gửi vào đây. Chúng tôi vẫn chấp hành chỉ thị, nhưng mãi thế này không biết sống sao, quá khổ rồi nên mới phải về quê", chị Nga nói.

Trong khi đó, gần 19h, trên Xa lộ Hà Nội, một nhóm khoảng 10 người đang mệt nhọc kéo ba lô lên con dốc. Một người trong nhóm kể họ là những lao động tự do quê Hà Tĩnh, cũng mất khả năng trụ lại TP.HCM nên quyết định về quê. Tìm thông tin trên facebook thì có xe đi về Hà Tĩnh với giá hơn 2 triệu đồng nên đánh liều đăng kí. Tuy nhiên, xe đi đến cửa ngõ TP.HCM gần cầu Đồng Nai thì bị lực lượng chức năng không cho qua chốt vì không đủ điều kiện nên cả nhóm đành đi bộ… khoảng 10km để đến nhà một người đồng hương có hứa cho tá túc qua đêm.

Người dân không được tự tổ chức hoặc tự di chuyển về quê vào thời điểm này

Trong khi đó sáng cùng ngày, lượng người dân rời khỏi TP.HCM qua các cửa ngõ ở huyện Bình Chánh và Bình Tân để về các tỉnh miền Tây không nhiều. Số ít người dân di chuyển về quê đến các chốt kiểm soát ở cửa ngõ phía Nam của thành phố đều được lực lượng liên ngành tuyên truyền, động viên trở về nhà trọ, nơi cư trú.

Đến chiều tối, các tuyến đường cửa ngõ đổ về miền Tây có lượng xe máy thưa thớt, lực lượng công an và quân đội chốt chặn chỉ giải quyết lưu thông đối với các phương tiện ô tô chở hàng hóa, shiper... đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiêu chí phòng chống dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên VOV, Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ và đường sắt, Công an TP.HCM cho biết, tình trạng nhiều người dân tập trung tự đi xe máy, ôtô cá nhân từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung ở cửa ngõ phía Bắc sáng 15/8 khiến lượng phương tiện các chốt kiểm soát giao thông liên tỉnh khá đông đúc, đặc biệt ở khu vực cầu vượt Sóng Thần, Linh Xuân, ngã tư trạm 2, Suối Tiên, TP.Thủ Đức... Tuy nhiên lực lượng chức năng đã nhanh chóng hướng dẫn người dân di chuyển giãn ra khỏi các chốt chặn và tuyên truyền để người dân trở về nơi cư trú không ra khỏi thành phố.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình cho biết: "Sau khi tuyên truyền xong, những đối tượng không chấp hành thì chúng tôi lập biên bản, sáng nay cũng xử lý hơn 10 trường hợp. Vấn đề này, phía Phòng cảnh sát giao thông cũng tiếp tục tuần tra kiểm soát kết hợp chốt chặn và công tác nắm tình hình trên địa bàn. Lực lượng PC08 cũng sẽ phối hợp với công an địa phương thực hiện tuần tra kiểm soát, với những đối tượng không chấp hành sẽ tiến hành xử phạt".

Tối nay (15/8), UBND TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn số 2718 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 từ 0g ngày 16/8 đến hết ngày 15/9/2021 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”. Vì thế, chắc chắn lực lượng chức năng sẽ không cho phép các trường hợp tự ý rời TP.HCM về quê. Tuy nhiên, để người dân, nhất là người lao động nghèo mất việc an tâm ở lại thì chính quyền cần phải tổ chức thật tốt việc chăm lo an sinh xã hội. Với tình hình giãn cách kéo dài thì cần phải nghĩ đến những giải pháp hỗ trợ xa hơn chứ không đơn thuần là chuyện ăn uống. 
       
Về vấn đề này, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ nỗ lực tối đa để chăm lo cho bà con nhân dân, không chỉ là lương thực, thực phẩm mà còn nhiều vấn đề khác. Cụ thể, TP.HCM sẵn sàng có các gói hỗ trợ thứ ba, thứ tư… và chú ý nhiều hơn đến với các nhóm đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ…

Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp công nhân lao động, học sinh sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực thực phẩm. Chủ trương của Thành ủy TP.HCM là không để ai thiếu đói và sẽ hỗ trợ gói an sinh xã hội bằng tiền mặt. Thời gian hỗ trợ là tháng 8 và tháng 9/2021. Đồng thời, các địa phương tổ chức để người dân tiêm vaccine.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng thời gian qua, chúng ta đã hy sinh rồi, đã chịu đựng rồi thì cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa… để sớm chiến thắng dịch bệnh: "Khi người dân đã tự mình bảo vệ mình, gia đình mình, cộng đồng và tự giác tham gia các hoạt động thì mới đảm bảo được thành công. Và chúng ta tiếp tục duy trì tinh thần này, cách làm này, kết quả này để chúng ta đạt được kết quả đồng bộ hơn, cao hơn trong thời gian tới".

Việc người dân tự ý về quê cũng là sự lựa chọn sau cùng khi đã quá khó khăn, không thể trụ lại thành phố. Vì thế, trong lúc cấp bách hiện nay, chính quyền cần tổ chức chăm lo tốt hơn nữa, làm sao sự hỗ trợ có thể đi sâu, đi sát vào tận ngõ hẻm, tiếp cận đến những người đang vô cùng khó khăn để giúp họ vượt qua hoàn cảnh. Có như thế việc chấp hành Chỉ thị 16 mới được nâng cao và công tác phòng, chống dịch bệnh mới nhanh chóng đạt kết quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người lao động, sinh viên nghèo mắc kẹt ở Hà Nội xúc động khi nhận những suất cơm 0 đồng
Người lao động, sinh viên nghèo mắc kẹt ở Hà Nội xúc động khi nhận những suất cơm 0 đồng

VOV.VN - Vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, những “Bữa ăn 0 đồng” được tổ chức góp phần xoa dịu nỗi lo lắng và vơi đi nỗi nhớ nhà của những người lao động và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt ở Hà Nội.

Người lao động, sinh viên nghèo mắc kẹt ở Hà Nội xúc động khi nhận những suất cơm 0 đồng

Người lao động, sinh viên nghèo mắc kẹt ở Hà Nội xúc động khi nhận những suất cơm 0 đồng

VOV.VN - Vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, những “Bữa ăn 0 đồng” được tổ chức góp phần xoa dịu nỗi lo lắng và vơi đi nỗi nhớ nhà của những người lao động và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt ở Hà Nội.

Kẹt lại Hà Nội, lao động nghèo nấu mì tôm làm canh sống qua ngày
Kẹt lại Hà Nội, lao động nghèo nấu mì tôm làm canh sống qua ngày

VOV.VN - 15 lao động xa quê "mắc kẹt" trong căn nhà 30m2 ở Hà Nội giữa đại dịch, cuộc sống mất việc, không có thu nhập, họ phải nấu mì tôm làm canh chan cơm để sống qua ngày.

Kẹt lại Hà Nội, lao động nghèo nấu mì tôm làm canh sống qua ngày

Kẹt lại Hà Nội, lao động nghèo nấu mì tôm làm canh sống qua ngày

VOV.VN - 15 lao động xa quê "mắc kẹt" trong căn nhà 30m2 ở Hà Nội giữa đại dịch, cuộc sống mất việc, không có thu nhập, họ phải nấu mì tôm làm canh chan cơm để sống qua ngày.

Lao động nghèo ở Bình Dương khổ sở "xoay" tiền mai táng người nhà mất vì Covid-19
Lao động nghèo ở Bình Dương khổ sở "xoay" tiền mai táng người nhà mất vì Covid-19

VOV.VN - Để lo hậu sự cho người thân, nhiều gia đình lao động nghèo ở Bình Dương đang rơi vào khó khăn khi chi phí mai táng cao và mỗi nơi một giá.

Lao động nghèo ở Bình Dương khổ sở "xoay" tiền mai táng người nhà mất vì Covid-19

Lao động nghèo ở Bình Dương khổ sở "xoay" tiền mai táng người nhà mất vì Covid-19

VOV.VN - Để lo hậu sự cho người thân, nhiều gia đình lao động nghèo ở Bình Dương đang rơi vào khó khăn khi chi phí mai táng cao và mỗi nơi một giá.