Người từng mắc Covid-19 chế tạo máy khử khuẩn phòng chống dịch
VOV.VN - Anh Mai Anh Đức (39 tuổi), ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng từng là bệnh nhân mắc Covid-19 đã được chữa khỏi bệnh năm ngoái. Sau khi xuất viện, anh Đức lập ra một nhóm với tên gọi “dự án 687” để chế tạo máy khử khuẩn, cung cấp miễn phí dung dịch sát khuẩn tặng tuyến đầu chống dịch của TP.
Những ngày đầu tháng 6, nắng nóng gay gắt với nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức 37- 39 độ C, anh Mai Anh Đức cùng nhóm bạn trẻ vẫn miệt mài chế biến nước sát khuẩn, lắp ráp máy khử khuẩn di động đem hỗ trợ các bệnh viện của thành phố Đà Nẵng. Anh Mai Anh Đức, trưởng nhóm chia sẻ, cuối tháng 7/2020, anh và con trai đều bị nhiễm SARS-CoV-2. Trong những ngày điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang, anh được các bác sĩ, điều dưỡng và các hộ lý tận tình chăm sóc. Hàng ngày, họ phải dùng cồn để sát khuẩn các dụng cụ trong bệnh viện và sát khuẩn tay.
Anh Đức suy nghĩ cần làm gì đó để có thể hỗ trợ cho bệnh viện. Ngay sau khi xuất viện, anh bắt tay dự án thiện nguyên, kêu gọi anh em, bạn bè lập nhóm mang tên “dự án 687” trợ giúp tuyến đầu chống dịch. Chia sẻ về tên gọi của dự án, anh Đức cho biết, 687 là mã số bệnh nhân của anh và là con số ghi dấu những ngày khó quên của gia đình mình cùng nhau chiến thắng dịch bệnh.
"Nhóm gồm mấy anh em trong công ty thường trực 4 - 5 người, có những bạn ở ngoài, chung tay hỗ trợ, rảnh giờ nào làm giờ đó. Mỗi người hỗ trợ một chút như xe cộ, nhân công cùng góp sức, mong rằng dịch bệnh được đẩy lùi, góp sức một phần nhỏ nào đó hỗ trợ cho xã hội để chống dịch", anh Mai Anh Đức nói.
Những ngày này, nhóm “dự án 687” ngày đêm chế biến dung dịch sát khuẩn gửi tặng các bệnh viện, chợ, khu chung cư, khu cách ly tại Đà Nẵng và một số tuyến đầu chống dịch của tỉnh Quảng Nam.
Anh Nguyễn Trung Dũng, người từng là đối tượng F1 tự nguyện tham gia "dự án 687" rất vui và hạnh phúc vì làm việc có ích cho xã hội: "Ngay từ đợt dịch trước anh Đức đã làm công việc này thì mấy anh em chúng tôi cùng làm với anh ấy luôn. Khi làm công việc này, mình thấy có trách nhiệm với xã hội hơn, sống tốt hơn”.
Đến nay, nhóm “dự án 687” chế biến hơn 50.000 lít dung dịch nước sát khuẩn đã được Viện Pasteur TP.HCM chứng nhận khả năng diệt khuẩn đến 99%. Ngoài ra, nhóm còn chế tạo máy khử khuẩn di động và buồng khử khuẩn hơi sương trao tặng các bệnh viện. Hiện nay, hệ thống buồng phun khử khuẩn có bán trên thị trường với giá khá cao khoảng 50 triệu đồng. Các bệnh viện tuyến quận, huyện khó có điều kiện tự trang bị. Trong khi, buồng khử khuẩn do "dự án 687" làm chỉ tốn 15 triệu đồng tiền vật liệu, máy khử khuẩn di động chi phí hết khoảng 8 triệu đồng.
Trong đợt dịch lần trước, anh Mai Anh Đức cùng nhóm đã trao buồng khử khuẩn tặng Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, Trung tâm y tế quận Sơn Trà, Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi và tỉnh Hải Dương. Trong đợt bùng phát dịch này, nhóm tiếp tục chế tạo 4 máy khử khuẩn di động tặng Bệnh viện Phổi và trung tâm y tế các quận ở Đà Nẵng.
Điều dưỡng Bùi Thị Hạnh, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Nhận được buồng phun khử khuẩn này chúng tôi thấy có nhiều tiện ích. Ngày trước chúng tôi dùng bình phun thủ công nhưng từ khi nhận được máy này thì tất cả các bệnh nhân đi khám và điều trị tại Trung tâm y tế quận Sơn Trà đều được đi qua buồng khử khuẩn này. Máy có lợi ích khử khuẩn được toàn thân, giúp cho công tác phòng chống dịch của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà được an toàn hơn".
Chia sẻ về những hoạt động tiếp theo của dự án, anh Mai Anh Đức cho biết, đang chuẩn bị nước sát khuẩn, kêu gọi thêm các nhà hảo tâm để sản xuất máy khử khuẩn di động tặng tỉnh Bắc Giang. Anh Đức cho rằng, mình từng trải qua biến cố do dịch Covid-19 nên thấu hiểu được sự cần thiết sự chia sẻ của cộng đồng, bởi vậy, anh cũng mong muốn mọi người chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh./.