Nhiều khu dân cư miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi bị cô lập do sạt lở núi
VOV.VN - Từ tối qua (24/10), trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã ngớt mưa, khu vực đồng bằng nước lũ đã rút. Tuy nhiên, khu vực miền núi 2 địa phương này xuất hiện nhiều điểm sạt lở, giao thông bị ách tắt, nhiều xã vùng cao bị cô lập.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, sáng nay (25/10), nước lũ đã rút. Các địa phương huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp, khắc phục thiệt hại. Nhiều tuyến đường khu vực miền núi bị sạt lở nặng, các địa phương huy động lực lượng đảm bảo thông tuyến an toàn.
Đợt mưa lũ cuối tuần qua gây sạt lở khoảng 30m đường sắt tại Km 899+400, đoạn qua khu vực Trì Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc- Nam. Ngành đường sắt phải huy động phương tiện đường bộ để vận chuyển hành khách từ ga Quảng Ngãi ra ga Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và ngược lại. Sau 2 ngày nỗ lực khắc phục, từ 20 giờ tối qua (24/10), tuyến đường sắt Bắc-Nam đã được thông tuyến tạm thời với tốc độ tàu chạy 5km/h.
Ông Cao Minh Hỷ, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình cho biết, từ tối qua đến sáng nay, hàng chục chuyến tàu đã qua lại an toàn: “Sau thông tuyến, các đơn vị tiếp tục gia cố thêm bước 2, bước 3 để trả lại tốc độ tàu chạy bình thường. Hiện tại, mới chỉ thông tuyến cho phép tàu chạy 5 km/h. Sau đó, các đơn vị sẽ đưa vật tư, nhân lực tiếp tục gia cố trả lại cho tàu chạy tốc độ theo qui định. Công tác tu sửa, chúng tôi sẽ cố gắng làm xong, đảm bảo an toàn trong thời gian sớm nhất”.
Tại tỉnh Quảng Nam, giao thông lên vùng cao của huyện miền núi Phước Sơn vẫn rất khó khăn. Chính quyền địa phương đang huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục sớm nhất. Trong khi đó tại huyện Bắc Trà My, khoảng 15 giờ chiều qua, một quả đồi bất ngờ sạt lở khiến đất đá tràn lấp xuống đường, chia cắt giao thông từ làng Xa Xít về trung tâm xã Trà Ka.
Mưa lớn trong mấy ngày qua làm xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hầu hết các tuyến đường huyết mạch tại địa phương đều bị sạt lở. Riêng xã Trà Linh bị cô lập hoàn toàn từ chiều qua. Địa phương này chưa thể triển khai lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến do tình hình sạt lở tại những vị trí này đang rất phức tạp. Hiện nay, tại huyện Nam Trà My gặp nhiều khó khăn trong khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở khi trên địa bàn xuất hiện ca mắc Covid-19.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trong sáng nay, địa phương khẩn trương truy vết các trường hợp liên quan đến ca mắc Covid-19.
“Đưa người dân sơ tán theo hình thức xen ghép với các hộ có chỗ ở an toàn. Hạn chế việc sơ tán tập trung. Trong quá trình sơ tán xen ghép phải tuân thủ nghiêm nguyên tắt 5k, nhất là phải đeo khẩu trang”, ông Trần Duy Dũng nói.
Ông Hồ Quảng Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh chủ động triển khai các phương án đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân. Yêu cầu các địa phương gấp rút đánh giá lại toàn bộ tình hình, chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, máy móc thiết bị để dự phòng cho mọi tình huống xảy ra.
“Chúng tôi chỉ đạo triển khai phương châm “4 tại chỗ” thêm một mức nữa là những đơn vị tại chỗ phải thường xuyên đi kiểm tra bờ sông, suối. Phải khơi thông những dòng suối, tránh trường hợp những cây to, đất đá đọng lại thành như một bờ đập, dễ gây ra lũ ống, lũ quét”, ông Hồ Quảng Bửu cho hay./.