Những hậu quả khôn lường do lái xe sau khi uống rượu, bia
VOV.VN - Vụ tai nạn thảm khốc tại Bắc Giang đêm 2/6 vừa qua làm chết 3 người trong cùng một gia đình đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng uống rượu khi tham gia giao thông.
Đây là vấn đề gây bức xúc của toàn xã hội, bởi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của nó . Dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến xây dựng các chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhưng tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi, gây ra những hậu quả khôn lường.
Trong những năm gần đây, trên cả nước xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra. Cách đây 3 năm, dư luận từng đau xót trước vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại hầm Kim Liên, Hà nội. Nạn nhân là 2 người phụ nữ tuổi đời còn khá trẻ, 4 đứa trẻ mồ côi. Kẻ gây ra vụ tai nạn là một gã say rượu! Gần đây nhất, ngày 3/6, cả xã hội đau xót khi chứng khiến hình ảnh em Nguyễn Hải Tân với nét mặt còn chưa hết bàng hoàng, đứng ra tổ chức tang lễ cùng lúc cho bố, mẹ và em gái của mình tại phố Hòa Yên, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang. Cả bố, mẹ và em gái của Nguyễn Hải Tân vừa qua đời đêm ngày 2/6 trong một vụ tai nạn giao thông do người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia gây ra. Một gia đình đang hạnh phúc, giờ chỉ còn Nguyễn Hải Tân hiện đang học trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội và bà nội bị tai biến sống nương tựa vào nhau. Tương lai của em cũng đang đứng trước nhiều ngã rẽ, bởi biến cố kinh hoàng xảy ra với gia đình. Câu chuyện buồn của gia đình Tân khiến xã hội càng lo lắng, bất an và lên án mạnh mẽ hơn bởi “ma men” ngồi sau tay lái lại là người đang công tác trong ngành Giao thông- Vận tải.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, rượu bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, khó xử lý tình huống, nhiều người đã vô tình gieo những án “tử” không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình.
Theo Phó Giáo sư- Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức, trường Đại học Việt Đức, kết quả nghiên cứu thực nghiệm mà trung tâm triển khai trên mô hình mô phỏng giao thông áp dụng đối với người Việt Nam cho thấy, nồng độ cồn trong máu ảnh hưởng đến các kỹ năng lái xe ở tất cả các cấp độ, gây nguy hiểm cho chính người lái xe và những người cùng tham gia giao thông.
"Trường hợp trong máu có nồng độ cồn mà điều khiển xe máy hay ô tô tham gia giao thông ảnh hưởng trực tiếp là người điều khiển có xu hướng lái xe ở tốc độ cao hơn rất nhiều, kết hợp với giảm thời gian phản ứng phanh. Ngoài ra trong người có nồng độ cồn có xu hướng đánh võng, đi xe đổi làn liên tục, lấn làn, vượt đèn đỏ. Như vụ tai nạn giao thông ở Bắc Giang mà trong người của người lái xe ô tô kiểm tra nồng độ cồn trong máu là 60, theo nghiên cứu thực nghiệm của chúng tôi chỉ ra rằng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông so với trường hợp trong người không có nồng độ cồn thì cao gấp khoảng 10 lần".
Thống kê chính thức của Cục Cảnh sát giao thông trong các năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ các vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam xấp xỉ 5%. Kết quả khảo sát xã hội học cho thấy kiến thức, thái độ và nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội về vấn đề này chưa thực sự đầy đủ.
Phó Giáo sư- Tiến sỹ Phạm Việt Cường - Đại học Y tế Công cộng cho biết, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để xử lý lỗi vi phạm sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông, nhưng thực sự vẫn chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
"Chúng ta mặc dù có luật, nhưng mà chúng ta chưa triển khai và thực thi một cách tốt nhất cho nên vẫn còn những hiện tượng này. Theo tôi, để có thể thay đổi được trước hết là việc thực thi pháp luật của chúng ta cần đẩy mạnh và đặc biệt là tuyên truyền trong vấn đề sử dụng rượu bia và lái xe. Mức phạt hiện nay của Nghị định số 100 và Nghị định số 123 mới đây (sửa đổi) tôi cho rằng cũng khá nặng. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức gọi là tước bằng lái và phạt tiền, chưa xử phạt hành vi tái phạm hay những người vi phạm ở mức độ cao"- Phó Giáo sư- Tiến sỹ Phạm Việt Cường nói.
Một số ý kiến cho rằng, để giảm các vụ việc tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra, cùng với triển khai thực thi pháp luật thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu đến phương án đưa ra những hình thức xử phạt nặng hơn, có thể tước bằng lái xe vĩnh viễn, cấm lái, thậm chí là phạt tù đối với những trường hợp tái phạm liên tục.
Trả lời phỏng vấn của VOV sau buổi làm việc với một số cơ quan, đơn vị của tỉnh Bắc Giang về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người thiệt mạng vào đêm ngày 2/6 tại thành phố Bắc Giang, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: "Chúng tôi có kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương đưa vụ này ra xét xử như một vụ án điểm vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây cũng là lời cảnh báo, răn đe, giúp cho đông đảo người điều khiển phương tiện, tránh không vi phạm những quy định pháp luật, tránh những vụ việc có hậu quả tương tự xảy ra trong tương lai".
Trước những hệ luỵ khôn lường do người điều khiển phương tiện sau khi dùng rượu, bia gây ra, cuối ngày 3/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký công điện gửi các cơ quan, đơn vị về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Kẻ tước đi mạng sống của người khác vì thiếu ý thức để “ma men” dẫn lối chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng pháp luật phải đủ mạnh để có tính ngăn ngừa. Mỗi người dân cũng cần ý thức được sự sống phía trước và sau tay lái là vô cùng quý giá để không gây ra thảm kịch cho gia đình, xã hội chỉ vì một phút bốc đồng quá chén./.