PC-Covid cần 4 quyền sử dụng phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19
VOV.VN - PC-Covid cần 4 quyền, được các chuyên gia độc lập về an toàn an ninh mạng của nhiều tổ chức, đơn vị đánh giá phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Sau khoảng 1 tuần, ứng dụng thống nhất trong phòng chống dịch Covid-19 với tên gọi PC-Covid đã được đánh giá tổng thể bởi các chuyên gia độc lập về an toàn an ninh mạng đến từ các Công ty công nghệ thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam VNISA, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), Bộ Tư lệnh tác chiến Không gian mạng (BTL86), Bộ Quốc phòng cũng như các doanh nghiệp công nghệ độc lập khác. Qua đó, người sử dụng sẽ phải cấp 4 quyền truy cập khi cài đặt ứng dụng PC-Covid và được bảo mật các thông tin cá nhân một cách an toàn.
Trung tâm Công nghệ Phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết: các cơ chế kiểm soát việc sử dụng quyền trên điện thoại khi cài đặt ứng dụng PC-Covid chủ yếu tập trung vào 4 quyền: Đó là quyền sử dụng bluetooth, quyền truy cập thông báo trên điện thoại cài hệ điều hành Android, quyền sử dụng camera, quyền truy cập ảnh, video, âm thanh và tệp.
Đây là 4 quyền nhằm phục vụ an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và đã được kiểm tra, đánh giá từ các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng như các chuyên gia an ninh mạng thuộc Hiệp hội An toàn Thông tin.
Tại Tọa đàm các quyền PC-Covid yêu cầu người dùng cần cấp khi sử dụng diễn ra sáng 7/10, Đại Tá - Tiến sỹ Nguyễn Trọng Thái – Trưởng Phòng An toàn thông tin, Bộ Tư lệnh tác chiến Không gian mạng (BTL86), Bộ Quốc phòng – đánh giá, ngoài kiểm tra phần mềm đóng gói được cài đặt và đơn vị đặc biệt yêu cầu kiểm tra mã nguồn của nhà phát triển.
“Qua kiểm tra chúng tôi thấy rằng các tính năng phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch hiện nay. Những tính năng này cũng có trong các ứng dụng khác như cài đặt Zalo, Viber… chúng tôi yên tâm là nhà phát triển sử dụng công nghệ giải pháp tốt. Ứng dụng là cơ quan chức năng có thẩm quyền phát triển. Qua kiểm tra, tôi thấy rằng các tính năng này không có tính năng thu thập thông tin người dùng, thông tin cá nhân. Do đó, chúng tôi thấy rằng phần mềm này yên tâm về mặt an toàn an ninh thông tin và ngay bản thân tôi cũng đang sử dụng”, Đại tá Nguyễn Trọng Thái nêu rõ.
Trong quá trình phát triển ứng dụng, PC-Covid luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành và tham gia kiểm soát về an toàn, bảo mật thông tin nói chung, kiểm soát về quyền và việc sử dụng quyền nói riêng của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trung tâm Công nghệ Phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia tiếp tục tham khảo tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia an ninh mạng thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05, Bộ Công an), Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng (BTL 86, Bộ Quốc phòng), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cũng như mời các chuyên gia về an toàn, an ninh mạng Việt Nam tiếp tục tìm kiếm lỗ hổng bảo mật cho các nền tảng công nghệ chống dịch.
“Chúng tôi đã mời 3 đơn vị liên quan là A05-Bộ Công an, Bộ Tư lệnh 86 thuộc Bộ Quốc phòng và Hiệp hội An toàn Thông tin VNISA thường xuyên tham gia đánh giá đảm bảo an toàn thông tin cho ứng dụng này. Chúng tôi có công bố về chương trình tìm lỗ hổng cho các nền tảng ứng dụng chống dịch. Các lực lượng cũng thống nhất sẽ thường xuyên đánh giá, cũng như phục vụ công tác phối hợp giám sát ứng dụng PC-Covid này”, ông Trần Nguyên Chung - Trưởng Phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - nhấn mạnh.
PC-Covid ghi nhận tiếp xúc gần bằng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (BLE) và vẫn đề nghị người sử dụng nên thường xuyên bật tính năng bluetooth trên thiết bị, để có thể truy vết các trường hợp tiếp xúc gần một cách nhanh nhất. Đặc biệt, ở phiên bản 4.0.4 vừa được nâng cấp PC-Covid được khẳng định là không khai thác vị trí của người dùng./.