Phải hài hòa ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới
VOV.VN - Chiều 25/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã họp với đại diện các bộ, ngành để lấy ý kiến xây dựng Chiến lược tổng thể ứng phó dịch COVID-19 hiệu quả trong tình hình mới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó dịch COVID-19 hiệu quả trong tình hình mới. Căn cứ trên dự thảo này, các đơn vị, bộ ngành góp ý để xây dựng hoàn thiện báo cáo với Chính phủ vào cuối tháng 10/2021 trước khi được ban hành.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo, các chuyên gia cho rằng, Chiến lược tổng thể vẫn phải dựa trên quan điểm vaccine và thuốc điều trị. Chiến lược này chủ yếu về phương diện y tế, tuy nhiên, vẫn phải có sự hài hòa với các thủ tục hành chính và kinh tế; phải thể hiện rõ mối liên hệ là bảo đảm an toàn sản xuất và sản xuất an toàn, cũng như đề rõ những ưu tiên trong sản xuất thiết bị y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: "Việc xây dựng Chiến lược tổng thể ứng phó dịch cần dựa trên các quan điểm: Thời gian ban hành Chiến lược phải trùng khớp với Giải pháp phục hồi kinh tế 2022-2023. Chiến lược phải bảo đảm nguyên tắc Bảo vệ sức khoẻ nhân dân là trên hết, được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thống nhất từ Trung ương, linh hoạt với địa phương. Chiến lược tổng thể phải kiểm soát đại dịch một cách sớm nhất, không thể chậm hơn thế giới. Chiến lược cũng cần phải nhấn mạnh hơn tính chủ động, khoa học và công nghệ trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, tranh thủ thời gian chống dịch dịch này để tăng cường toàn bộ năng lực hệ thống y tế, sẵn sàng ứng phó với các đại dịch lây nhiễm trong tương lai".
Theo ý kiến các chuyên gia, Chiến lược tổng thể phải đạt 3 mục tiêu: Giảm tỷ lệ tử vong; Sẵn sàng nâng cao năng lực ứng phó của hệ thống y tế nếu có một chủng virus mới, hay một đại dịch lây nhiễm mới; và Khôi phục phát triển sản xuất kinh tế-xã hội.
Do vậy, cần phân chia một cách khoa học thành Nhóm các giải pháp về y tế và Nhóm giải pháp về an sinh... Trong đó, đối với y tế, là chủ động về vaccine, xét nghiệm; với thuốc - phải dựa trên dự báo tình hình để đặt mua.
Về áp dụng mức độ giãn cách, cần quy định các biện pháp hạn chế di chuyển, sinh hoạt, hoạt động của người dân, an ninh trật tự nói chung, đặc biệt, trong các vùng phong toả và cơ sở điều trị. Về công nghệ, cần lưu ý các loại công nghệ mới áp dụng trong y tế. Bên cạnh đó, căn cứ theo yêu cầu chuyên môn để đảm bảo công tác hậu cần, phân định rõ nguồn trung ương hay địa phương để có dự phòng./.