"Phát huy hết vai trò của đội ngũ cán bộ y tế được điều động vào TP.HCM chống dịch"

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu những người đã tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, có kinh nghiệm “trận mạc” dầy dạn phải được phân đến các quận, huyện nơi có dịch nóng nhất ở TP.HCM.

Sáng 9/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Tổ trưởng để thảo luận và đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho công tác phòng, chống dịch phù hợp với việc thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Sơn -Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã thông báo Quyết định số 3338/QĐ-BYT về việc huy động nhân lực y tế để hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP.HCM. Theo quyết định này, Bộ trưởng Bộ Y tế điều động 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung để hỗ trợ lực lượng y tế TP.HCM trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cử 25 lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y/ Viện/Trường trực thuộc Bộ Y tế tới TP.HCM tham gia công tác chống dịch theo sự phân công của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện của TP.HCM.

Chuyên gia đầu ngành và hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế đã có mặt tại TP.HCM

Từ TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch cho biết hiện TP.HCM đã có 2.500 đội lấy mẫu xét nghiệm với 4.000 người. Công suất lấy mẫu đạt 350.000 - 400.000 mẫu/ ngày, phù hợp với năng lực xét nghiệm của 20 đơn vị xét nghiệm trên địa bàn.

“Đối với đơn vị làm xét nghiệm khẳng định mẫu đơn, trên địa bàn TP.HCM hiện có Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC). Thời gian trả mẫu xét nghiệm đang là 24h, tôi đã đề nghị rút ngắn xuống còn 12h”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Bộ phận thường trực đã chuẩn bị 500.000 test nhanh và đã phân bổ về một số quận huyện và đơn vị xét nghiệm của TP.HCM để phục vụ công tác xét nghiệm.

“TP.HCM đã tích cực triển khai test nhanh tại vùng lõi, nếu có trường hợp dương tính thì tiến hành làm xét nghiệm mẫu đơn đối với F1. Hơn 300 sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương hỗ trợ lấy mẫu tại 2 điểm nóng Gò Vấp, Bình Thạnh rất tích cực và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Từ thực tiễn hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề xuất bên cạnh lực lượng hỗ trợ công tác phòng chống dịch, lực lượng hỗ trợ về quản lý điều hành rất cần thiết. Bộ phận thường trực xác định một số điểm nóng của TP.HCM cần có từ 2-3 đồng chí lãnh đạo các Vụ/Cục được Bộ Y tế điều động vào TP.HCM để phối hợp chỉ đạo công tác chống dịch bao gồm: TP.Thủ Đức, Quận 8, Quận Bình Thạnh, Quận Bình Tân, Quận Tân Phú, Huyện Củ Chi, Huyện Bình Chánh.

Bộ trưởng đã giao quyền liều hành, điều phối nhân lực tăng cường cho Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. “Phải phát huy hết vai trò của đội ngũ cán bộ của Bộ Y tế điều động vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch COVID-19. Những người đã tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, có kinh nghiệm “trận mạc” dầy dạn được phân đến các quận, huyện nơi có dịch nóng nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói từ đầu cầu Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, TP.HCM đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 500 người phục vụ công tác truy vết. Hiện bộ phận Thường trực đã điều động nhân lực của 2 trường ĐH Y Thái Bình và ĐH Y Hải Phòng vào TP.HCM thực hiện công việc này.

Liên quan đến việc điều phối 1 vạn cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đã đề nghị TP.HCM có kế hoạch cụ thể về sử dụng nhân lực để có sự điều phối phù hợp.

Những thay đổi lớn trong thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM

Tại cuộc họp, sau khi nghe các báo cáo và ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM liên quan đến một số thay đổi lớn trong triển khai các hướng dẫn chuyên môn thực hiện các công tác liên quan đến phòng chống dịch.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết về công tác cách ly sẽ phân ra các khu vực gồm: Khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa): Các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài.

Đối với trường hợp có đông F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa, áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung đối với khu vực đó. Trường hợp mật độ người cách ly quá đông thì xem xét đưa bớt ra khu cách ly tập trung.

“Chúng tôi lưu ý Bộ phận thường trực trao đổi với thành phố cần bố trí, cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu đến trực tiếp các hộ gia đình và thực hiện việc theo dõi, giám sát hàng ngày”, Bộ trưởng nói.

Với khu vực nguy cơ cao, áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT của Bộ Y tế. Trường hợp F1 ở tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại gia đình thì đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung.

Với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 5152/BYT-MT của Bộ Y tế.

Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, đặc biệt người F1 lưu trú tại các gia đình đông người, tại các khu chung cư, tập thể thực hiện cách ly tập trung theo các quy định hiện hành.

Về công tác xét nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay có những thay đổi lớn để phù hợp với thực tiễn chống dịch, Bộ Y tế đã có văn bản gửi TP.HCM để hướng dẫn cụ thể. Theo đó, có thể áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh. Việc tổ chức, điều phối công tác lấy mẫu xét nghiệm theo khu vực phù hợp với việc cách ly.

Theo đó, khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa) tiến hành lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình để phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19, nhanh chóng đưa các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh ra khỏi cộng đồng;“Thực hiện gộp theo hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), có thể gộp mẫu 3 hoặc 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh”- Bộ trưởng nói.

Đối với khu vực nguy cơ cao, tiến hành ấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại hộ gia đình, xét nghiệm mẫu gộp cùng 1 ống.

Đối với các khu vực khác, cần thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của hộ gia đình.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh TP.HCM cần thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh; các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp… Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám.

Đồng thời Bộ trưởng cũng lưu ý TP.HCM phải tổ chức lấy mẫu tại hộ gia đình đối với vùng nguy cơ cao và rất cao, không tổ chức các điểm lấy mẫu tập trung. Nếu làm test nhanh phải trả mẫu ngay. Nếu làm PCR trong hộ gia đình thì làm gộp, tuyệt đối không làm cùng hộ gia đình khác.

“Đối với khu vực khác xét nghiệm đại diện theo hộ gia đình nên gộp mẫu vừa phải để thời gian trả kết quả nhanh và truy lại kết quả cũng nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cho rằng việc thay đổi về chiến lược xét nghiệm như vậy đối với TP.HCM đặt ra vấn đề là 2.500 đội lấy mẫu có thể chưa đáp ứng đủ, vì vậy Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi với TP.HCM để điều phối thêm nhân lực huy động lực lượng của Bộ Y tế cùng TP thực hiện công tác này.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang có mặt tại TP.HCM cho biết đã triển khai việc hướng dẫn một đội lấy mẫu test nhanh cho các nhà máy, đảm bảo thực hiện được 3 ngày lấy mẫu /1 lần. Hiện vẫn đang tiếp tục hướng dẫn việc này.

Liên quan đến điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại TP.HCM cần phân chia điều trị theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh. Theo đó, với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng cần điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19... Tuy nhiên, lưu ý tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan sang nhân viên chăm sóc, phục vụ và các khu vực xung quanh.

Với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng sẽ điều trị tại các bệnh viện. Nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch sẽ điều trị tại 4 cơ sở y tế là: BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV Nhân dân 115 và BV Nhân dân Gia Định, nơi có đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục và máy can thiệp tim, phổi nhân tạo (ECMO)…

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ phân bổ tăng nguồn vaccine cho TP.HCM. Bộ trưởng lưu ý khi thực hiện tiêm chủng ở các vùng có nguy cơ rất cao và cao, cần tổ chức các điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi phù hợp. Bộ Y tế sẽ điều 30 xe tiêm lưu động bao gồm bàn tiêm, thùng đựng vaccine có sẵn để hỗ trợ TP.HCM thực hiện công tác tiêm chủng.

“Thành phố cần tổ chức tiêm chủng tại nhiều điểm tiêm, bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động. Tổ chức tiêm chủng lưu động, thì càng nhiều điểm tiêm càng tốt, các điểm tiêm cần được chia nhỏ, “bám vào” các hẻm. Cần tổ chức tiêm giãn cách theo khung giờ trên nguyên tắc hạn chế tối đa người dân ra ngoài và tập trung tại một địa điểm”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đối với các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục, duy trì sản xuất, đặc biệt với các cơ sở sản xuất dược phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch phải đảm bảo theo yêu cầu phòng chống dịch và thực hiện đánh giá an toàn COVID-19 hàng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: “Cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì ngưng hoạt động ngay. Thành phố cần chỉ đạo lấy mẫu tầm soát ít nhất 20% số người trong công ty, nhà máy. Nếu có điều kiện tiến hành lấy mẫu toàn bộ nhà máy”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ cần đẩy mạnh chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị, hoá chất, sinh phẩm xét nghiệm để đáp ứng các tình huống chống dịch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đà Nẵng vẫn còn 3 bệnh nhân Covid-19 thở máy, lọc máu
Đà Nẵng vẫn còn 3 bệnh nhân Covid-19 thở máy, lọc máu

VOV.VN - Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, ngày 8/7, 1 bệnh nhân mắc Covid-19 trong đợt dịch từ 18/6 đã tử vong.

Đà Nẵng vẫn còn 3 bệnh nhân Covid-19 thở máy, lọc máu

Đà Nẵng vẫn còn 3 bệnh nhân Covid-19 thở máy, lọc máu

VOV.VN - Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, ngày 8/7, 1 bệnh nhân mắc Covid-19 trong đợt dịch từ 18/6 đã tử vong.

Thêm 11 người ở Bà Rịa-Vũng Tàu dương tính với SARS-CoV-2
Thêm 11 người ở Bà Rịa-Vũng Tàu dương tính với SARS-CoV-2

VOV.VN - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, tính đến 12 giờ trưa nay (9/7), trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 11 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Thêm 11 người ở Bà Rịa-Vũng Tàu dương tính với SARS-CoV-2

Thêm 11 người ở Bà Rịa-Vũng Tàu dương tính với SARS-CoV-2

VOV.VN - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, tính đến 12 giờ trưa nay (9/7), trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 11 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính, nhiều phương tiện đến Cần Thơ phải quay đầu trở lại
Bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính, nhiều phương tiện đến Cần Thơ phải quay đầu trở lại

VOV.VN - Sáng nay (9/7), ngày đầu tiên TP.Cần Thơ bắt buộc tất cả công dân trước khi vào địa bàn TP phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhiều tài xế xe tải phải quay đầu trở lại, do không có giấy xét nghiệm âm tính.

Bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính, nhiều phương tiện đến Cần Thơ phải quay đầu trở lại

Bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính, nhiều phương tiện đến Cần Thơ phải quay đầu trở lại

VOV.VN - Sáng nay (9/7), ngày đầu tiên TP.Cần Thơ bắt buộc tất cả công dân trước khi vào địa bàn TP phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhiều tài xế xe tải phải quay đầu trở lại, do không có giấy xét nghiệm âm tính.