Phát triển hạ tầng nông thôn mới ở đất võ Tây Sơn
VOV.VN - Huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đang tập trung phát triển hạ tầng vùng nông thôn. Đây là hướng đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đất võ này.
Thôn Hữu Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bị ngăn cách với trung tâm xã bởi sông Côn. Người dân trong thôn phải di chuyển hơn 10 km vòng xuống đập dâng Văn Phong rồi ngược lên Quốc lộ 19 mới đến trung tâm xã Tây Giang. Bao năm qua, việc vận chuyển buôn bán nông sản, đưa con đến trường rất khó khăn vì đường đi cách trở.
Tháng 4/2023, UBND tỉnh Bình Định quyết định phê duyệt dự án xây dựng cầu Hữu Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cầu dài 500 m, rộng 8 m và đường dẫn 2 đầu cầu dài hơn 2 km. Cũng như nhiều người dân thôn Hữu Giang, bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân mong chờ cầu sớm xây xong giúp bà con thuận lợi trong đi lại:
“Khi không có cầu, con mình học ở lại buổi trưa bên trung tâm xã, gia đình không quản lý được. Khi gia đình làm nông, đồng tiền eo hẹp hơn. Bây giờ có cây cầu này nên đi lại thuận tiện hơn, học sinh trưa về nhà nấu cơm cho cháu ăn đỡ hơn. Các sản phẩm nông nghiệp và gia súc gia cầm mình cần bán thì lái buôn ở trung tâm xã qua gần hơn, mình đỡ phải mất công vận chuyển ra chợ. Bình thường khi cần bán con gà thì phải chờ đợi, bây giờ có cây cầu lớn nên con buôn đến bắt gà, mình cũng khỏe hơn”.
Thời gian qua, huyện Tây Sơn đã tập trung đầu tư hoàn thiện tiêu chí về giao thông theo Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, 14 xã ở huyện Tây Sơn có hơn 402 km đường làng, ngõ xóm, hơn 190 km đường thôn, liên thôn và 109 km đường xã đã được bê tông xi măng hoặc bê tông nhựa. Các tuyến đường huyện cũng được đầu tư nâng cấp đảm bảo đạt quy mô tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V (đồng bằng), phù hợp theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh thuộc quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết:
"Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã tranh thủ được nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và nguồn lực của địa phương. Chúng tôi đã đầu tư nâng cấp tất cả các tuyến đường huyện quản lý, cũng như các tuyến đường tỉnh trên địa bàn. Đến nay, cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Tây Sơn đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhất là đảm bảo cho thu hút đầu tư, các dự án lớn trên địa bàn, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa”.
Sau gần 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tại huyện Tây Sơn từng bước khởi sắc. Từ một huyện trung du, khó khăn Tây Sơn đã từng bước trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 thị trấn đạt các tiêu chí đô thị văn minh. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định nhìn nhận:
“Đối với huyện Tây Sơn vừa rồi thông qua hội đồng thẩm định Trung ương về nông thôn mới, cơ bản thì 9 tiêu chí nông thôn mới của Tây Sơn đều đạt kết quả khá tốt. Những vấn đề liên quan đến hạ tầng phát triển gắn với sản xuất nông nghiệp phải nói rằng Tây Sơn cũng từng bước hoàn thiện. Trong đó, đập dâng Phú Phong, hệ thống kênh tưới Văn Phong tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, từng bước gắn với chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Xây dựng nông thôn mới ở Tây Sơn, ngoài việc chỉnh trang cơ sở hạ tầng để đáp ứng được các tiêu chí nhưng cốt lõi vẫn là vấn đề thu nhập cho người dân”.