Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chống dịch phải rất sáng tạo và linh hoạt”
VOV.VN - Đây là trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo Bắc Giang và Bắc Ninh, trong nỗ lực chống dịch và lên phương án đưa các nhà máy, KCN hoạt động lại.
Sáng 24/5, tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay của tỉnh vẫn là công suất xét nghiệm. Dù đã được nâng lên nhiều nhưng do vừa tập trung trọng điểm, vừa sàng lọc diện rộng nên hiện mỗi ngày tỉnh vẫn còn tồn lại 20.000-30.000 mẫu xét nghiệm chưa trả được kết quả.
>> Bắc Ninh, Bắc Giang đề nghị Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cách ly F1 tại nhà
Hiện, Bắc Giang đã hoàn thành Bệnh viện dã chiến số 2 với 620 giường bệnh để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng tỉnh đang thiếu lực lượng vận hành. Ông Lê Ánh Dương nêu nột trong những vấn đề khó khăn nữa của tỉnh là thu hoạch và tiêu thụ nông sản, khi Bắc Giang đang bắt đầu vào mùa thu hoạch vải, dứa và vụ lúa Xuân Hè.
“Năm nay nông sản được mùa nên nếu được tiêu thụ tốt dự kiến sẽ thu được khoảng 7.000 tỷ đồng cho mùa vụ năm nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nói.
Về khó khăn trong thu hoạch nông sản ở vùng có dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại thực tiễn ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và đề nghị Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh khác phải rất linh hoạt để đảm bảo vừa thu hoạch vụ mùa, vừa phòng, chống dịch tốt.
“Khi ra đồng, làm việc trong môi trường thoáng khí, ngoài trời thì các hộ gia đình này cần giữ khoảng cách các hộ gia đình khác. Những máy móc, dụng cụ thu hoạch dùng chung thì sát khuẩn trước khi chuyển lại cho người khác dùng. Nếu phong toả 1 xã mà ngoài đồng cũng vắng teo thì nông sản thế nào. Các đồng chí phải rất sáng tạo và linh hoạt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Kết nối với điểm cầu Bắc Ninh sau đó, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Bắc Giang và Bắc Ninh là hai tỉnh đầu tiên “thực chiến” phòng chống dịch bệnh trong khu công nghiệp, do đó cần phải đúc rút kinh nghiệm cho các khu công nghiệp khác, cho các tỉnh khác.
Bắc Giang và Bắc Ninh đang lên phương án để mở cửa cho các nhà máy, khu công nghiệp hoạt động trở lại có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Theo đó, tại cuộc họp, đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo đã nêu các khuyến nghị để mở cửa trở lại, duy trì sản xuất an toàn cho các nhà máy, khu công nghiệp. Ngoài việc tuân thủ đầy đủ tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, các nhà máy, khu công nghiệp phải thực hiện phân vùng khu vực, bộ phận, phân xưởng sản xuất, điều chỉnh phân ca sản xuất theo địa bàn cư trú của công nhân, để nơi nào có ca nhiễm thì khoanh vùng lập tức, xét nghiệm trả kết quả trong vòng 24 giờ, những bộ phận, khu vực khác vẫn tiếp tục duy trì sản xuất.
Các công nhân phải khai báo y tế, được theo dõi sức khoẻ, xét nghiệm định kỳ với sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp cùng với Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng cần có những quy định cụ thể để hạn chế số người tiếp xúc của mỗi công nhân, hết sức chú ý đến những bộ phận gián tiếp, hành chính vốn tiếp xúc nhiều với các phân xưởng, khu vực sản xuất khác nhau.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, muốn đưa nhà máy, khu công nghiệp trở lại hoạt động từng phần thì phải có chính sách linh hoạt hơn. Phó Thủ tướng nhắc lại thực tiễn, với những trường hợp công nhân nghi mắc đã được cách ly chặt chẽ tại nơi ở, đồng thời có xe đưa đón đi làm và bố trí sản xuất an toàn thì sẽ “an toàn hơn” là dừng hoạt động toàn bộ một nhà máy, KCN và đưa mấy chục nghìn con người vào các khu cách ly trung.
“Đây là thực tiễn mà hướng dẫn trước đây không còn phù hợp và phải điều chỉnh. Bộ Y tế phải ra văn bản điều chỉnh ngay lập tức để Bắc Ninh, Bắc Giang linh hoạt làm mẫu, đúc rút kinh nghiệm, để khi thực hiện tốt sẽ triển khai toàn quốc”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, trước thực tế không thể xét nghiệm hàng ngày cho toàn bộ một nhà máy có hàng nghìn công nhân, một khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ, cụ thể Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ thông tin nhanh khẩn trương hoàn thiện công cụ để tính toán, chỉ ra những phân xưởng, nhà máy, bộ phận sản xuất, đối tượng cần được xét nghiệm sàng lọc theo từng ngày, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm chi phí trong xét nghiệm.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, ban hành văn bản hướng dẫn yêu cầu tất cả người làm việc trong các khu công nghiệp tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế.
“Diễn biến dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy, chúng ta phải phòng dịch từ sớm, từ xa. Nếu có thêm nhiều tỉnh xuất hiện dịch bệnh trong KCN mà không có khai báo y tế trước, không đánh giá được nguy cơ thì sẽ rất lúng túng. Chúng ta đều có hướng dẫn từng nhà máy, xí nghiệp bất kể ở đâu, đều phải tự đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh và cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn), nhưng rất ít nơi làm được. Bộ Công thương, chính quyền địa phương phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong vấn đề này”, Phó Thủ tướng yêu cầu./.