Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: ĐBSCL nâng cao cảnh giác với dịch COVID-19

VOV.VN - Chiều 12/7, tại cuộc họp trực tuyến với 12 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận nỗ lực chống dịch của tác tỉnh, thành, đặc biệt là ở các nơi có đường biên giới. 

Dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị, Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chuẩn bị cho phương án chống dịch cao hơn một mức, theo đó rà soát lại năng lực xét nghiệm, số lượng sinh phẩm xét nghiệm, các cơ sở điều trị và cách ly... 

Nhấn mạnh việc chỉ có 2 tỉnh, thành thực hiện liên thông dữ liệu điện tử phòng, chống COVID-19, Phó Thủ tướng yêu cầu các, tỉnh, thành ĐBSCL nhanh chóng thiết lập hệ thống truy vết, thông tin liên thông để kịp thời cập nhật và có phương án chống dịch hiệu quả.

“Với việc xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19, nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng, các tỉnh, thành phố phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, phát huy vai trò của cơ sở, tăng cường kêu gọi, kiểm soát chặt người về từ vùng dịch… Tất cả người trở về từ vùng dịch phải khai báo y tế trung thực để các lực lượng điều tra dịch tễ, xét nghiệm, cách ly phù hợp”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL phải tập trung cao độ trong điều hành trực chiến. Từng địa phương phải chủ động rà soát tình hình, số lượng máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị, đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm… Đồng thời lưu ý, việc thực hiện khoanh vùng, phong tỏa rộng hay hẹp phải đảm bảo làm nghiêm, không được để tình trạng “ngoài chặt trong lỏng”, dẫn đến lây nhiễm chéo, mất kiểm soát; đồng thời giữ bằng được các khu vực an toàn.

Nhằm giữ bằng được an toàn cho các bệnh viện, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc tại đây; khẩn trương kích hoạt hệ thống theo dõi, giám sát, nắm bắt thông tin người có triệu chứng để đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm; tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm mẫu gộp. Bên cạnh đó, các địa phương sớm có phương án tổ chức lại hệ thống điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng” (không có triệu chứng hoặc nhẹ; có triệu chứng; bệnh lý nặng) nhằm hạn chế ca bệnh chuyển biến nặng và trường hợp tử vong.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Cần Thơ, địa phương có trường Đại học Y dược và bệnh viện năng lực cao chuẩn bị tinh thần hỗ trợ các tỉnh trong khu vực. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ) báo cáo khát quát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại các địa phương có xu hướng tăng lên với 3 nguồn lây chính gồm người trở về từ địa phương khác; sàng lọc trong cộng đồng; lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung. Đồng thời, các địa phương nêu rõ một số khó khăn trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch, chủ yếu liên quan đến năng lực xét nghiệm, dự trữ sinh phẩm còn ở mức tối thiểu…

Cụ thể, Tiền Giang hiện có khoảng 7.000 người trở về từ TP.HCM cần được xét nghiệm nhanh để sàng lọc theo các nhóm nguy cơ khác nhau. Bên cạnh yêu cầu xét nghiệm cho những nơi có nguy cơ cao như chợ truyền thống, bãi tập kết hàng hóa, Tiền Giang đặt mục tiêu cố gắng giữ an toàn cho các khu công nghiệp, phải xét nghiệm gộp cho hơn 1.000 công nhân các khu công nghiệp. Trong khi đó, theo báo cáo của tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh chỉ có 1 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR, đạt khoảng 1.000 mẫu đơn/ngày.

Đối với tỉnh Bến Tre, 2 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR có khả năng xét nghiệm khoảng 1.600 mẫu/ngày, đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm tình hình hiện tại. Tuy nhiên, với số lượng lớn người trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày tới, Bến Tre sẽ gặp khó khăn trong việc xét nghiệm.

>> Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà

Tương tự, khả năng xét nghiệm của Hậu Giang hiện nay chỉ đạt được 60% so với nhu cầu phòng, chống dịch (khoảng 400 mẫu/ngày). Trước bối cảnh dịch bệnh tăng nhanh, tỉnh gặp khó khăn về sinh phẩm xét nghiệm do các doanh nghiệp, đơn vị đã giao dịch, hợp tác với địa phương không cung cấp được hoặc những đơn vị khác tăng giá… 

Trước diễn biến nhanh của dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Long, An Giang gặp khó khăn trong việc mua sinh phẩm và thiết bị xét nghiệm bởi nguồn hàng khan hiếm nhưng nhu cầu quá lớn. Còn tỉnh Trà Vinh gặp khó khăn do thiếu nhân lực y tế giám sát, lấy mẫu test nhanh các trường hợp F2 trong cộng đồng. Với khả năng xét nghiệm đạt 700 mẫu/ngày/2 máy Realtime RT-PCR, Trà Vinh đang thiếu sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế... trong khi số ca mắc tại tỉnh có xu hướng tăng nhanh, 8/9 huyện, thị xã đã có ca mắc COVID-19. 

Trước phản ánh của một số địa phương về khó khăn lưu thông vận tải hàng hóa, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, Tổng cục đã ban hành công văn khẩn số 4658/TCĐBVN-VT đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đề nghị cấp mã QR-code, thẻ nhận diện để tạo “luồng xanh” vận tải cho các phương tiện vận chuyển được ưu tiên lưu thông hàng hóa; vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan từ TP.HCM  đi các tỉnh và ngược lại, trong thời gian Thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến lĩnh vực lưu thông vận tải đường bộ và xử lý trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, với những nguy cơ đặt ra, dự báo, các địa phương này sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 trong thời gian tới. Song, ông Tuyên cũng lưu ý các địa phương không lạm dụng xét nghiệm nhanh, quá trình xét nghiệm tuyệt đối tránh tình trạng lấy mẫu mà không xét nghiệm được trong 24 giờ, lấy mẫu mà không xét nghiệm kịp...

Thông tin về 2 loại xét nghiệm COVID-19 (Realtime RT-PCR và test nhanh kháng nguyên), ông Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã có hướng dẫn xét nghiệm đơn/gộp 5 hoặc gộp 10 Realtime RT-PCR. Theo đó, chỉ nên xét nghiệm đơn đối với ca F0, F1; xét nghiệm gộp tại các khu cách ly, phong tỏa và các trường hợp F2 trong cộng đồng để đẩy nhanh tiến độ truy vết, giảm đỡ các nguồn lực và chi phí cho xét nghiệm. Đối với những khu vực hoặc doanh nghiệp mới phát hiện ca bệnh, có thể áp dụng kháng nguyên nhanh. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế tổng hợp đề nghị của các địa phương khu vực ĐBSCL về sinh phẩm, máy móc, thiết bị, vật tư y tế, trang thiết bị bảo hộ… để có phương án hỗ trợ tối đa. Các địa phương sử dụng sinh phẩm xét nghiệm của nước ngoài phải chủ động phương án dự phòng, nếu không đủ phải sử dụng sản phẩm trong nước./.

>> Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM cần tính đến phương án cách ly F1 tại nhà

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà
Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà

VOV.VN - Các ly F1 tại nhà đã được thực hiện thí điểm tại TP.HCM. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh căn cứ theo hướng dẫn của Bộ và tình hình thực tế để chủ động thực hiện thí điểm.

Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà

Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà

VOV.VN - Các ly F1 tại nhà đã được thực hiện thí điểm tại TP.HCM. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh căn cứ theo hướng dẫn của Bộ và tình hình thực tế để chủ động thực hiện thí điểm.

TP.HCM không kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 người lưu thông trong thành phố
TP.HCM không kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 người lưu thông trong thành phố

VOV.VN - TP khẳng định đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi TP.HCM do nhu cầu thật sự cần thiết (qui định tại Chỉ thị 16 và Công văn 2279 của UBND TP) thì không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.

TP.HCM không kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 người lưu thông trong thành phố

TP.HCM không kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 người lưu thông trong thành phố

VOV.VN - TP khẳng định đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi TP.HCM do nhu cầu thật sự cần thiết (qui định tại Chỉ thị 16 và Công văn 2279 của UBND TP) thì không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đắk Nông ghi nhận ca thứ 3 dương tính với Covid-19 từ TP.HCM về
Đắk Nông ghi nhận ca thứ 3 dương tính với Covid-19 từ TP.HCM về

VOV.VN - Ngày 12/7, tỉnh Đắk Nông tiếp tục ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2 về từ thành phố Hồ Chí Minh.

Đắk Nông ghi nhận ca thứ 3 dương tính với Covid-19 từ TP.HCM về

Đắk Nông ghi nhận ca thứ 3 dương tính với Covid-19 từ TP.HCM về

VOV.VN - Ngày 12/7, tỉnh Đắk Nông tiếp tục ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2 về từ thành phố Hồ Chí Minh.