Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Không để người đã tiêm vaccine lơ là phòng dịch”
VOV.VN - Chiều 4/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 họp giao ban trực tuyến với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang về tình hình và ứng phó mới nhất với diễn biến của dịch tại từng địa phương.
“Dập dịch” tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh nhanh nhất có thể
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thông tin, đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận hơn 1.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, tổng số bệnh nhân đang điều trị là 752 người. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đang điều trị 24 bệnh nhân nặng tại khu ICU. 188 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính, gồm 114 ca lần 1; 63 lần 2 và 11 lần 3. Số bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện là 238 người.
Diễn biến dịch vẫn phức tạp tại TP. Bắc Ninh, khi ghi nhận ca mắc tại 14/19 phường với 43 khu phố/chung cư; và tại huyện Thuận Thành có ca mắc tại 17/18 xã, thị trấn. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các lực lượng triển khai đáp ứng theo từng cấp độ dịch. Sở Y tế tình cũng ban hành hướng dẫn phòng dịch với người dân tại nơi lưu trú, đặc biệt với trường hợp công nhân ở lại làm việc trong các KCN sẽ ở lại doanh nghiệp thay vì về phòng trọ.
Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đã làm việc với Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để thống nhất phương án tập trung xử lý ổ dịch tại huyện Thuận Thành và TP. Bắc Ninh. Theo đó, tập trung vào công tác xét nghiệm và phân loại các đối tượng xét nghiệm làm 3 nhóm. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết: “Cụ thể, với khu vực nguy cơ có ca mắc trong vòng 7 ngày, có ca trong vòng 8-14 ngày và có ca sau 14 ngày. Với những nhóm nguy cơ cao sẽ triển khai xét nghiệm 3 lần, nguy cơ trung bình xét nghiệm 2 lần và khu vực không có ca mắc sẽ rà soát xét nghiệm 1 lần. Bắc Ninh đang cùng Bộ Y tế xây dựng phương án xét nghiệm và kế hoạch để bố trí nguồn nhân lực và thời gian cụ thể”.
Báo cáo Phó Thủ tướng, bà Mai Hoa cũng cho biết, Bắc Ninh đã triển khai thử nghiệm để người dân, công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh bày tỏ lo ngại kỹ năng của người dân khi tự lấy mẫu, nếu thực hiện không chuẩn có thể khiến kết quả không chính xác.
Về kiểm soát dịch tại huyện Thuận Thành, Phó Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức đang tham gia đoàn công tác tại Bắc Ninh cho biết, với phương án giãn cách theo Chỉ thị 16 và chiến lược xét nghiệm 3 lần để sàng lọc F0 và đưa F1 nguy cơ đi cách ly tập trung, đồng thời siết chặt quản lý đi lại và việc thực hiện giãn cách, thì trong 7 ngày sẽ giảm ca mắc và trong 14 ngày sẽ không còn ca mắc trong cộng đồng.
Với Thuận Thành, Phó Thủ tướng yêu cầu “dập dịch” tại Thuận Thành nhanh nhất. Đặc biệt, khi các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo trước đó đã lưu ý trình trạng phong tỏa bên ngoài chặt, nhưng lại triển khai lỏng lẻo bên trong vùng giãn cách.
Để công nhân ở lại trong công xưởng, nhà máy chỉ là “giải pháp tạm thời”
Với Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh cho biết, trong ngày 4/6 đã ghi nhận 143 ca mắc COVID-19 mới, chủ yếu trong các khu cách ly và có 2 ca trong khu vực phong tỏa. Về điều trị, đến nay có 153 bệnh nhân điều trị khỏi và xuất viện. Số ca bệnh nặng là 51 người, trong đó, 1 ca phải can thiệp ECMO; 2 bệnh nhân thở máy và lọc máu…
“Số ca mắc mới ghi nhận tại 24 khu cách ly trên tổng số 219 khu cách ly tại tỉnh Bắc Giang, với tổng số 15.200 người”, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thông tin.
Trong ngày 4/6, các lực lượng ở Bắc Giang đã thực hiện lấy 29.210 mẫu. Trong đó, để triển khai giãn mật độ công nhân tại khu vực Núi Hiểu, huyện Việt Yên, đã có 2.800 người được lấy xét nghiệm để chuyển sang các khu cách ly tập trung trong huyện và tỉnh. Đến nay, Bắc Giang đã cấp phép cho 24 doanh nghiệp, với 6.000 công nhân trở lại sản xuất. Các doanh nghiệp phải kiểm soát kỹ công nhân từ đi lại và bố trí nơi ăn ở, sản xuất giãn cách mới được hoạt động lại.
Trong những ngày tới, Bắc Giang dự báo số ca mắc mới sẽ giảm và tỉnh đang tập trung hơn vào khâu điều trị số lượng lớn ca mắc và đưa bệnh nhân nặng vào các khu hồi sức ICU.
Bên cạnh đó, Bắc Giang đã triển khai hệ thống gọi điện thoại tự động và ghi nhận hơn 600 trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ và chuyển thông tin đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn… Đồng thời, bắt đầu triển khai thí điểm phần mềm quản lý, giám sát COVID-19 trong doanh nghiệp do Bộ Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, nhằm phục vụ công tác truy vết hiệu quả. Bắc Giang cũng đề xuất tăng cường vaccine COVID-19.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc Bắc Giang đang từng bước giảm được mật độ tại các khu cách ly, đưa các doanh nghiệp trở lại sản xuất trong điều kiện an toàn chống dịch. Tuy nhiên, việc để công nhân ở lại trong công xưởng, nhà máy chỉ là “giải pháp tạm thời”. Do vậy, các địa phương phải phối hợp với doanh nghiệp để bố trí lại chỗ ăn ở của công nhân, gắn với sắp xếp ca kíp để đảm bảo đưa hoạt động sản xuất trở lại bền vững.
Đây là những lưu ý đặc biệt cho cả 2 địa phương là Bắc Giang và Bắc Ninh. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng và y tế 2 tỉnh tăng cường tuyên truyền để những công nhân, người dân đã tiêm vaccine không chủ quan, lơ là phòng dịch.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bắc Ninh và Bắc Giang chấn chỉnh các khu cách ly không để tình trạng bên ngoài làm chặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhưng bên trong lại lơ là. Với công tác tầm soát dịch trong cộng đồng, Phó Thủ tướng đồng ý với khuyến cáo của chuyên gia với 2 địa phương này trong việc thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên kết hợp với các ứng dụng công nghệ và gọi điện thoại tự động để lấy thông tin y tế, theo đó, hỗ trợ kịp thời để người dân được xét nghiệm. Đồng thời, giúp khoanh vùng khu vực nguy cơ để thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu: “Tại các địa bàn đã qua giai đoạn cao điểm dịch, tình hình bắt đầu được kiểm soát, thì càng phải đẩy nhanh thí điểm cách ly tại chỗ, cách ly tại nhà và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm”.
Các chuyên gia cũng đồng tình rằng, đây là tinh thần chuẩn bị cho tình huống dịch xấu nhất, nếu dịch xảy ra lại và cùng lúc ở nhiều địa phương thì sẽ không có đủ chỗ cách ly tập trung, đặc biệt, sẽ không có đủ lực lượng từ Trung ương và các địa phương khác tới chi viện cho công tác lấy mẫu, theo đó, công tác điều phối lực lượng sẽ rất khó khăn. Do vậy, chính quyền địa phương cần tuyên truyền vận động để người dân luôn chủ động phòng, chống dịch với biện pháp đơn giản như 5K. Đồng thời, lực lượng y tế trong lúc lấy mẫu xét nghiệm sẽ hướng dẫn cụ thể luôn để người dân thực hiện chuẩn kỹ năng tự lấy mẫu.
Đặc biệt, chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế trong việc giám sát quá trình người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, với các nhân viên y tế, phải tuân thủ chặt chẽ quy định không để xảy ra lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu./.