Quá tải xử lý rác thải liên quan đến dịch Covid-19
VOV.VN - Số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng, do đó, chất thải y tế tại bệnh viện, khu cách ly tập trung, các gia đình có bệnh nhân F0 cũng tăng tỷ lệ thuận theo, khiến việc xử lý nhiều khi quá tải.
Tại Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng với các công ty môi trường trên địa bàn cũng đã có sự chỉ đạo và chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà.
Cụ thể, công tác thu gom, xử lý rác thải đã được triển khai đúng quy trình, bảo đảm các điều kiện an toàn, đội ngũ công nhân viên đều được trang bị bảo hộ đầy đủ, dung dịch khử khuẩn, được test COVID-19 hàng tuần và được ưu tiên tiêm chủng.
Từ tháng 4/2021 đến nay, số ca F0, F1 cách ly tại nhà ngày càng tăng và phân bố rải rác trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ riêng Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội), mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải.
Do khối lượng rác thải phát sinh lớn nên đã gặp một số khó khăn như: Không đủ nhân lực đáp ứng việc thu gom rác thải nhỏ lẻ tại từng hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà; công tác phân loại rác thải chưa được triệt để dẫn đến khối lượng rác phát sinh nhiều.
Tình trạng quá tải công tác xử lý rác thải y tế cũng diễn ra tại thành phố Cần Thơ và Đà Nẵng. Khối lượng rác phát thải từ các hộ này nếu không được quản lý chặt chẽ, kịp thời thì sẽ bị lẫn lộn vào rác sinh hoạt thông thường gây tiềm ẩn rủi ro cho môi trường cộng đồng và trực tiếp là sức khỏe công nhân thu gom, vận chuyển.
Mỗi địa phương đều đã đưa ra các phương án để có thể xử lý nguồn rác thải một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là tăng cường quản lý rác thải từ các ca F0 tại nhà, nơi lưu trú. Tuyên truyền giúp người dân phân loại rác đúng quy định, đảm bảo an toàn như các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có F0, F1, thì phải bỏ rác thải có nguy cơ lây nhiễm trong túi màu vàng rồi để tại vị trí thuận lợi trước nhà, nơi lưu trú.
Đồng thời, các đơn vị thu gom, vận chuyển bố trí phương tiện thu gom và vận chuyển phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và nhân viên thu gom phải tuân thủ chặt chẽ công tác phòng, chống COVID-19.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các nội dung về quản lý chất thải y tế tại các khu thu dung, điều trị COVID-19. Yêu cầu các tỉnh chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế.
Ngoài ra, các tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, các cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19, cơ sở cách ly phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.