Rắn thật, rắn giả rộn ràng đón Xuân
VOV.VN - Chào mừng Xuân Ất Tỵ 2025, tại các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đều có xây dựng cổng chào, đường hoa, tiểu cảnh… đa dạng sắc màu; trong đó linh vật rắn giữ vai trò chủ đạo, thu hút người dân đến xem, chụp ảnh lưu niệm.
Đường hoa và Chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 tại Quảng trường Hùng Vương (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) là nơi “xuất hiện” rất nhiều loại rắn thật, “rắn giả” rất độc, lạ kỳ thú, thu hút đông khách tham quan, thưởng lãm.
Cổng chào Tiền Giang chúc mừng năm mới của Đường hoa Xuân Tiền Giang là mô hình linh vật rắn hổ mang thể hiện uy nghi không chỉ là biểu tượng của năm Ất Tỵ mà còn thể hiện khí thế mạnh mẽ của tỉnh trong năm mới. Thân cổng được tạo hình uốn lượn cách điệu thân rắn mềm mại, kết hợp với hoa mai vàng mang lại vận khí sung túc, cát tường trong năm mới.
Cổng làm từ 11 nhánh tượng trưng cho 11 đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đại cảnh Tiền Giang - Mai vàng đón xuân được đầu tư hoành tráng và nổi bật với 9 mô hình rắn tượng trưng cho chín nhánh sông Cửu Long và nhiều chậu mai vàng rực rỡ. Điểm nhấn của Đường Hoa là mô hình rắn vàng uốn lượn theo mô tuýp “Rắn lên mây” thể hiện cho khát vọng và vạn sự thành công trong năm mới. Các mô hình 8 con rắn nhỏ đa màu sắc gắn với các sắc thái vui nhộn khác nhau cùng con đường mai vàng rực rỡ được xếp theo hình bán nguyệt bo tròn quanh đại cảnh.
Nằm trong khuôn khổ Đường hoa Xuân, đại cảnh Sắc xuân Ất Tỵ được thiết kế mô phỏng Trại rắn Đồng Tâm (Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, và chế biến dược liệu, thuộc Cục Hậu cần - Kỹ thuật Quân khu 9; tọa lạc tại ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trưng bày các loài rắn sống cùng những tiêu bản rắn để du khách tham quan.
Tham gia đường hoa năm nay, đơn vị trưng bày 7 loại rắn với gần 30 cá thể, với một số loại rắn độc, như: Rắn hổ chúa, rắn hổ mang đất, rắn mai gầm (cạp nong), rắn lục đuôi đỏ... Trong đó, rắn hổ chúa và rắn hổ mang đất là những loại cực độc, có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Bên cạnh đó, còn trưng bày một số loại rắn không độc để du khách tham quan thực tế.
Ngoài ra, Trung tâm còn trưng bày 13 tiêu bản rắn được trích xuất từ Bảo tàng rắn được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là Bảo tàng rắn đầu tiên lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam. Đến thời điểm này, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên trưng bày rắn thật ở Đường hoa Xuân Ất Tỵ.
Được biết, trong thời gian trưng bày tại đường hoa (tối 19h30, từ mùng 1 đến mùng 5 tết), Trại rắn Đồng Tâm sẽ biểu diễn rắn và lấy nọc rắn. Đây không chỉ là một điểm nhấn độc đáo của Đường hoa Xuân Ất Tỵ, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về bảo tồn thiên nhiên, phát triển dược liệu.
Tại vùng Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) lần đầu tiên xây dựng đường Hoa Xuân dài gần 1km và các tiểu cảnh tại thị trấn Mỹ Phước - trung tâm huyện Tân Phước. Tại đây có nhiều biểu tượng “rắn giả” được thiết kế khá độc đáo, hóm hỉnh, đa dạng sắc màu thu hút rất đông người dân đến chiêm ngưỡng.
Tại chùa Liên Hoa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo có biểu tượng “Rắn múa Lân” đặt tại công viên chùa. Biểu tượng rắn này tạo nét khác biệt, tạo nên sự tò mò, vui vui đối với du khách và người dân đến viếng chùa khi Xuân về, Tết đến.