Sống sót 7 ngày dưới vực sâu nhờ ăn dương xỉ và củ lạc tiên: Chuyên gia lý giải
VOV.VN - Chuyên gia phân tích tác dụng của cây dương xỉ và lạc tiên giúp người phụ nữ ở Hà Nội sống sót kỳ diệu sau 7 ngày rơi xuống vực sâu ở Yên Tử, Quảng Ninh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, ở Hà Nội) sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực sâu là chuyện rất may mắn. Tuy nhiên còn may mắn hơn nữa khi bà Liên đã biết tự cứu lấy mình nhờ việc ăn cây dương xỉ và củ lạc tiên để duy trì sự sống trong suốt 1 tuần.
“Chắc hẳn bà Liên cũng là người hiểu rõ về cây cối trong rừng, có kỹ năng sinh tồn tốt và rất may mắn thì mới chọn được những loại cây ăn được để sống sót qua ngày. Bởi nếu là trường hợp khác không hiểu rõ về cây cối, họ rất có thể ăn phải loại cây có độc dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng”, ông Thịnh nhận định.
Theo ông Thịnh, hai loại cây dương xỉ hay lạc tiên mà bà Liên sử dụng đều là những loài thực vật không có độc. Xét về mặt dinh dưỡng thì cả hai loại cây trên đều không mang lại giá trị dinh dưỡng gì đặc biệt, chỉ có cây lạc tiên trong thành phần chứa một lượng rất nhỏ chất an thần, nhưng không đáng kể. Tuy không có nhiều dinh dưỡng nhưng các loại cây này đều có thể sử dụng để làm thực phẩm để duy trì sự sống trong môt thời gian.
“Không riêng gì cây dương xỉ hay lạc tiên mà có rất nhiều loại thực vật trong cuộc sống khác đều có thể ăn được. Chỉ là người dân không dùng nó làm thực phẩm vì nó rất khó ăn, có vị chát, mà giá trị dinh dưỡng lại không cao. Ví dụ như các loại lá rất quen thuộc với chúng ta là lá chuối, hay lá mít... đều ăn được”, ông Thịnh nói.
Qua trường hợp của bà Liên, PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều trường, lớp dạy cho trẻ em, thậm chí người lớn cách sinh tồn khi lâm vào hoàn cảnh tương tự như đi lạc vào rừng sâu, kẹt trong thang máy, hỏa hoạn hay đuối nước...
Những khóa học như vậy rất quan trọng bởi sẽ giúp con người biết cách sinh tồn trong bối cảnh gặp nguy hiểm, khắc nghiệt. Bằng sự hiểu biết của mình, người lâm vào tình thế này sẽ biết làm sao để duy trì sự sống bằng việc tìm nước uống, cây gì thì ăn được, giữ cơ thể tránh mất nước thể nào, bảo vệ cơ thể trước môi trường ra sao hoặc kêu gọi trợ giúp từ người khác bằng cách...
“Ở nước ngoài, nhiều nước đã dạy cho trẻ em học sinh cấp 2, cấp 3 về những kỹ năng này rồi, nhưng ở nước ta thì tôi chưa thấy nhiều”, ông Thịnh nói.
Chính vì vậy, chuyên gia này hy vọng qua câu chuyện của bà Liên, các cơ quan chức năng sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc hướng dẫn người dân, trẻ em về kĩ năng sinh tồn trong những trường hợp tương tự như vậy để giữ được tính mạng của mình trong thời gian chờ người khác đến cứu giúp.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Bích Liên đi chùa Yên Tử rồi không may bị ngã và rơi xuống vực sâu tại khu vực chùa Đồng từ ngày 27/4. Sau 7 ngày gặp nạn, đến ngày 3/5, bà được nhân viên cứu hộ giải cứu thành công.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, bà Liên đi lấy thuốc ở TP Hạ Long (Quảng Ninh), sau đó rẽ vào Yên Tử. "Bà Liên nghĩ lên núi lễ nhanh rồi về, nhưng không may bị tụt huyết áp và ngã xuống vực", ông Dũng chia sẻ.
Thời điểm ngày 27/4, khu vực chùa Đồng (Yên Tử) có sương mù và gió, đi cách nhau 10 m gần như không nhìn thấy nhau. Bà Liên ngồi gần khu vực lan can, lúc đứng lên bị choáng và ngã xuống vực.
Ông Dũng cho biết, rất may, khu vực bà Liên ngã xuống có bụi dương xỉ, cây thân mềm đỡ lại. Lúc bị ngã xuống vực, bà Liên có mang theo trong người gói cơm cháy ăn dở và nửa chai nước. Đến hôm nay, sau 1 tuần, gói cơm cháy trong người bà Liên còn một miếng bằng ngón tay.
Bà Liên kể, mỗi ngày chỉ ăn một ít cơm cháy, ngoài ra ăn thêm ngọn cây dương xỉ, củ lạc tiên được tìm thấy khi bới xung quanh.
Sau khi được cứu hộ, bà Liên hiện sức khoẻ ổn định, chỉ bị sây xát. Nhân viên Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cũng sơ cứu, cho bà Liên uống thuốc để hồi phục sức khoẻ. Hiện, bà Liên đang được lãnh đạo Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đưa về nhà ở Hà Nội./.