Sụt lún đất ở ĐBSCL gây ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân
VOV.VN - Việc sụt lún đất ở ĐBSCL ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng ven biển chịu nhiều tác động khi thiếu nước sinh hoạt vào những tháng mùa khô.
Ngày 24/11, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với tổ chức Arcadis (Hà Lan) tổ chức hội thảo trực tuyến về “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại ĐBSCL– khu vực tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Hội thảo nhằm chia sẻ các vấn đề suy giảm nguồn tài nguyên nước dưới đất và hiện trạng sụt lún tại các tỉnh ĐBSCL cũng như xác định giải pháp, chính sách quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, nhu cầu sử dụng nước được chia thành ba nhóm chính là sử dụng cho sinh hoạt, canh tác nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và nhu cầu đang ngày càng tăng.
Con số thống kê cho thấy, nhu cầu nước và nguồn nước sinh hoạt ở nông thôn đáng lưu tâm như 22% hộ dân sử dụng hệ thống nước tập trung, trong khi đó có tới 78% sử dụng nước giếng khoan. Vài năm trở lại đây, việc gia tăng khai thác nước ngầm để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp đã cho thấy mức độ suy giảm nguồn tài nguyên nước ngầm đáng báo động.
Việc khai thác nước ngầm trong những năm qua ở ĐBSCL được các nhà khoa học và các tổ chức có liên quan cảnh báo nhưng thực trạng này vẫn diễn ra và các địa phương phương khu vực ven biển sử dụng nguồn tài nguyên nước ngầm nhiều nhất để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Không chỉ vấn đề khai thác nước ngầm, việc đô thị hóa cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt lún đất trong thời gian qua; việc sụt lún đất ở ĐBSCL đang diễn ra nhanh hơn so với mực nước biển dâng, đây là tình trạng đáng báo động đối với vùng ĐBSCL khi đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình trạng sụt lún đất, ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng ven biển chịu nhiều tác động khi thiếu nước sinh hoạt vào những tháng mùa khô.
“Nước mặt thay đổi thì chúng ta có thể nhìn thấy được nhưng nếu dưới đất thì chúng ta không thể nào có thể trông thấy trực tiếp được. Tuy nhiên, chúng ta có thể cảm nhận nó thông qua việc giếng nước phải đào sâu xuống. Tài nguyên nước dưới đất chúng ta đã suy giảm và sự suy giảm này làm thay đổi cao trình mặt đất của đồng bằng và chúng ta bị ngập nhiều hơn”, PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí cho hay.
Tại hội thảo các nhà khoa học, đại diện các địa phương đã bàn những giải pháp để quản lý tài nguyên nước ngầm, vấn đề sụt lún ở ĐBSCL hiện nay khi việc khai thác nước ngầm vẫn diễn ra và chưa có sự kiểm soát chặt chẽ là nguyên nhân chính trong dẫn tới tình trạng sụt lún đất nhanh hơn, ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của người dân. Vì vậy, việc kiểm soát và khai thác nước ngầm có kiểm soát là giải pháp quan trọng để giảm thiểu và hạn chế sụt lún đất ở ĐBSCL./.