Tai nạn thảm khốc ở Gia Lai: Cần bổ sung ngay hệ thống cảnh báo an toàn
VOV.VN - Đây là yêu cầu từ phía đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sau khi làm việc tại Gia Lai liên quan đến vụ tai nạn làm 9 người thương vong.
Chiều nay (9/2), ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng đoàn công tác đã vào Gia Lai để kiểm tra hiện trường, phối hợp cùng lãnh đạo địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn thảm khốc khiến 6 người chết, 3 người bị thương vào lúc rạng sáng cùng ngày.
Báo cáo với đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, UBND huyện Đăk Đoa thông tin, vào lúc 1h45 sáng 9/2, tại đường liên xã Đăk Sơmei - Hà Đông thuộc địa phận làng Bokrei, xã Đăk sơmei, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, xe tải chở sắn BKS 81C-111.25 (loại xe tải có mui, màu xanh, trọng tải 16 tấn) do Huỳnh Đức Nguyên (Sinh năm 1983, trú 117/23 Nguyễn Chí Thanh, tổ 4, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển, lưu thông theo hướng từ xã Hà Đông đi Đăk Sơmei để ra Quốc lộ 19D. Khi đang xuống dốc dài, hai bên nhiều lau sậy, ở địa phận làng Bokrei, xe đâm vào taluy rồi lao xuống vực bên phải.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, ngoài lái xe, trên cabin có chở 8 người, trên thùng xe là sắn lát khô. Vụ tai nạn khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có lái xe và làm bị thương 3 người đang cấp cứu tại bệnh viện. Sáng 2/9, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương, mỗi gia đình có người tử vong là 5 triệu đồng. Huyện Đăk Đoa cũng hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương và 5 triệu đồng cho gia đình có người tử vong.
Liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, Đại tá Lê Văn Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, qua điều tra ban đầu và lấy lời khai của người bị thương, được biết có 3 người ngồi trong cabin gồm tài xế và 2 người bên ghế phụ xe, phía sau ca bin có 6 người. Sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để cứu hộ các nạn nhân.
“Qua điều tra đã xác định lái xe bước đầu không có nồng độ cồn và ma túy. Thời điểm này thời tiết của Tây Nguyên có nhiều sương mù, ban đêm trời tối, đoạn đường xảy ra tai nạn không có điện chiếu sáng và đường hẹp nên khi đổ dốc dài từ tuyến Hà Đông về gần 20 cây số, có đến 4km là đường dốc liên tục. Khi đến vị trí tai nạn, lái xe không làm chủ tốc độ và theo như kết quả giám sát hành trình, kiểm tra tốc độ của xe lúc đó đạt gần 54km/h”, Đại tá Lê Văn Hà cho biết thêm.
Trực tiếp đi khảo sát hiện trường vụ tai nạn, ông Khuất Việt Hùng và đoàn công tác có những đánh giá ban đầu về nguyên nhân vụ việc. Cụ thể, tuyến đường đường liên xã Đak Sơmei - Hà Đông có những đoạn dốc rất dài. Cung đường này cấp thiết cần bổ sung hệ thống các biển cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông ở những vị trí tương tự. Vị trí xảy tai nạn là một điển hình về tiềm ẩn tai nạn giao thông khi phương tiện xuống dốc rẽ bên trái và có vực ở bên phải. Chính vì vậy, cần lắp ngay các cảnh báo, hướng dẫn cho người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
“Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị với tỉnh Gia Lai cùng huyện cần quan tâm tuyến đường này và các tuyến đường khác trên địa bàn. Cần rà soát, đánh giá lại điều kiện về an toàn giao thông nói chung, bổ sung những công trình, thiết bị, hệ thống cọc tiêu, biển báo, hướng dẫn để người tham gia giao thông có thể nhận biết được những nguy cơ tai nạn giao thông ở trên tuyến đường quanh co, khúc khuỷu và đèo dốc”, ông Khuất Việt Hùng nêu rõ.
Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tới ân cần thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc vượt qua nỗi đau, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống./.