Thanh Hoá chi gần 550 tỷ đồng để sơ tán người dân trước nguy cơ sạt lở
VOV.VN - Tỉnh Thanh Hoá lên kế hoạch chi hơn 549 tỷ đồng từ ngân sách để di chuyển 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Thanh Hóa đặt mục tiêu, trước mùa mưa năm nay phải sơ tán được 112 hộ dân tại 3 điểm có nguy cơ rất cao đến nơi an toàn
Năm nào cũng vậy, cứ mưa là xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề cho người dân miền núi Thanh Hoá. Mùa mưa bão năm nay đang đến gần, nỗi bất an ấy lại ùa về với người dân bản Ngàm, ở Quan Sơn và bản Ón, ở Mường Lát hay bản Lở, ở Quan Hóa.
"Mấy hộ này cứ sạt dần xuống, mấy hôm mưa sạt ít rồi ta luy. Xã đã thường xuyên xuống phân công, động viên bà con ra ngoài. Năm 2017-2018 là phải chuyển bà con ra ngoài hết. Ở đây trưởng bản có kẻng phòng chống thiên tai, nghe kẻng là bà con ra ngoài hết. Có kẻng báo động, nhưng đang lo là suối này mưa to không ra được, mưa là bị cô lập".
"Về lâu về dài sợ lắm, nhất là trời mưa, mấy hộ ngay gần chân đồi càng sợ, sụt mấy gốc cây thôi cũng sợ".
Đài TNVN đã nhiều lần phản ánh về nguy cơ sạt lở đối với người dân khi phóng viên khảo sát tình hình tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Năm nào cũng vậy, cứ mưa là sạt lở, tắc đường, đe dọa tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân địa phương sinh sống dưới chân đồi. Sau nhiều năm khảo sát, lập phương án, Thanh Hóa quyết định lọc ra 2.846 hộ có nguy cơ rất cao để thực hiện di chuyển khẩn cấp. Tuy nhiên, nguồn lực có hạn, không thể một lúc di chuyển số hộ dân này. Vì vậy việc di chuyển được thực hiện theo giai đoạn từ nay đến 2025, lần lượt di chuyển theo mức độ nguy cơ.
"Bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát là 1 trong 3 điểm tái định cư đầu tiên được thực hiện. Trưởng bản Ón – Giàng A Chống cho biết, kế hoạch của địa phương sẽ đưa dân đến nơi ở mới trước mùa mưa năm nay, nhưng do địa hình phức tạp, khó chọn mặt bằng. "Đối với các hộ nguy cơ mấy năm nay cứ mưa bão là đi thông báo di tản ra chỗ khác, không thì nguy hiểm lắm".
Theo kế hoạch, 112 hộ dân thuộc 3 điểm là bản Ngàm (huyện Quan Sơn), bản Ón (huyện Mường Lát), bản Lở (huyện Quan Hóa)…sẽ được di chuyển trước mùa mưa năm nay. Thế nhưng, do địa hình phức tạp, việc thi công khó khăn. Đến thời điểm này, nhà thầu thi công mới đang thực hiện san gạt mặt bằng. Đại diện Công ty Phương Đông - 1 đơn vị thi công mặt bằng tái định cư cho biết, “Các điểm tái định cư này là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đơn giá thi công rất cao. Vì vậy, 300 triệu/hộ theo định mức phân bổ của tỉnh không thể đảm bảo đầy đủ hạ tầng điện, đường, nước… để đảm bảo cuộc sống người dân được. Vì vậy tiền có đến đâu địa phương thi công đến đó”.
Theo ông Lê Bá Lương, Chi Cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa: Do dự án được phê duyệt theo lệnh khẩn cấp, nên bằng mọi cách số hộ dân này phải được đưa ra khỏi vùng nguy cơ trước mùa mưa năm nay.
"Quan trọng nhất là phải đưa được người dân ra khỏi khu vực nguy cơ cao, đó là mục tiêu quan trọng, đảm bảo an toàn người và tài sản. Còn hỗ trợ xây dựng thì trên miền núi mấy cũng hết, rất nhiều vấn đề cần tính toán hạ tầng khó khăn, đi lại, hệ số vật liệu cao… 3 khu tái định cư này được Chủ tịch UBND tỉnh cấp vốn tái định cư năm 2021 là theo lệnh khẩn cấp"- ông Lương nói.
Ngoài con số 2.846 hộ dân trong vùng nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét, tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 7.000 hộ có nguy cơ, nhưng mức độ nhẹ chưa được xem xét trong đề án. Việc trích ngân sách 549 tỷ đồng để sơ tán số hộ dân này là cần thiết. Tuy nhiên, việc khảo sát vị trí tái định cư cần phải xem xét thấu đấu. Bởi, kinh nghiệm tái định cư khu vực miền núi cho thấy, nếu không tổ chức thực hiện tốt, thi công đảm bảo, rất dễ dẫn đến tình trạng sạt lở nơi mặt bằng mới sau khi di chuyển người dân./.