Tổ trưởng 4.0 giữa những ngày cách ly, phong tỏa

VOV.VN - Những ngày trong vùng cách ly y tế rồi giãn cách xã hội triệt để, cả ngày lẫn đêm, tổ trưởng dân phố sắm đủ các vai, từ việc lập danh sách, đôn đốc người dân đi xét nghiệm, đi tiêm chủng, cung ứng nhu yếu phẩm cho đến việc đi mua giúp người dân những vật dụng khó chia sẻ.

Từ ngày 31/7 đến nay, 5 phường phía Bắc quận Sơn Trà cùng hàng trăm điểm nóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thực hiện cách ly y tế, giãn cách xã hội triệt để. Người dân không được ra khỏi nhà trừ trường hợp cấp cứu, đi lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày trong vùng cách ly y tế rồi giãn cách xã hội triệt để, tổ trưởng dân phố đứng ra lo chuyện chợ búa, cơm nước... cho nhiều người trong tổ, rồi lại nghe nhiều lời than phiền, trách cứ. Tổ trưởng dân phố cũng là người phân phát rau củ quả của các nhà tài trợ đến từng hộ dân. Tổ trưởng dân phố cũng là người lập danh sách, đôn đốc người dân đi xét nghiệm, đi tiêm chủng.

Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ loanh quanh với hàng loạt hàng rào cứng, dày đặc các chốt kiểm soát, chúng tôi mới gặp được ông Phạm Xuân Hiện, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố Vũng Thùng 2, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Trò chuyện được dăm phút, ông Hiện đã phải nghe hơn chục cuộc điện thoại nhờ mua hoa, quả, hương đèn cúng Rằm, tháng 7. Đang loay hoay ghi chép, ông nghe ngư dân gọi báo 1 chiếc tàu cá nữa vừa bị chìm do không bơm nước. Ông già Hiện lại tất tả chạy đi gọi người xử lý.

Ông già người gốc Bình Định kể, ông gần như chẳng ở nhà được một ngày. Cứ về nhà là có người gọi. Ốm đau cũng gọi, xin ra ngoài cũng gọi, thiếu lương thực, thực phẩm bà con lại gọi. Mà cũng đúng thôi, vì giờ chính quyền giao kiểm soát và hỗ trợ bà con, tổ trưởng dân phố mà không giúp bà con thì ai lo. Điều ông Phạm Xuân Hiện lo nhất là những người hoàn thành cách ly 14 ngày trở về. Những ngư dân ở đây ít khi để dành tiền bạc, gạo mắm nên đi cách ly nửa tháng trở về nhà là coi như hết gạo nấu.

“Công việc rất nhiều, kể cả đau ốm rồi thuốc men. Ví dụ anh đau ốm ở mức độ nhẹ nặng như thế nào. Nếu phải mua thuốc thì tôi đặt hàng tại UBND phường, rồi y tế phường có trách nhiệm cung cấp hàng đấy. Nhớ nhất là những lần dân đi cách ly tập trung về là xuống hỗ trợ ngay, từ cơm áo gạo tiền, lương thực, thực phẩm cho dân. Bản thân tui cũng không phải là khá giả nhưng ngày hôm đó có vài chục kg thịt thì cũng đưa luôn cho bà con ở khu phong tỏa đi cách ly về”, ông Phạm Xuân Hiện chia sẻ.

Đợt dịch này, 5 phường phía Đông bờ sông Hàn là điểm nóng dịch bệnh khi mỗi ngày ghi nhận hàng chục ca dương tính. Phải phong tỏa cứng, không cho người dân ra khỏi cổng nếu không có việc thật sự cần thiết. Những ý kiến chỉ đạo đó càng áp lực hơn với những “người đi chợ” vô cùng đặc biệt, vừa ít quyền lực mà cũng chẳng mấy quyền lợi. Thế nhưng, họ vẫn vui vẻ đảm nhận được vai trò là lực lượng nối dài của bộ máy chính quyền. Đà Nẵng đang những ngày ngột ngạt của nắng hè và căng thẳng cao điểm dịch bệnh. Hình ảnh các bác tổ trưởng ngồi chồm hổm cầm tờ đơn đặt hàng dài như tờ sớ dưới chợ tạm, đặt ngay ngã ba Chu Huy Mân, Ngô Quyền trông vừa buồn cười, vừa thương cảm, rất đáng yêu quý.

Ông Huỳnh Văn Ngọc, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn ccũng như cả ngàn tổ trưởng dân phố khác đa phần đều tuổi xưa nay hiếm nhưng dịch giã, cách ly khiến ai cũng phải khỏe lên, điều đặc biệt hầu như ai cũng dùng điện thoại thông minh.

Ông Huỳnh Văn Ngọc từng là giáo viên trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng nên việc “điều hành” tổ dân phố thuận tiện hơn. Những ngày cả thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” tổ dân phố số 8 này có 2 đám tang là các cụ lớn tuổi. Vậy là ngoài nhiệm vụ đi chợ giúp dân, lên danh sách tiêm chủng, xét nghiệm, ông Ngọc còn là cầu nối thực hiện việc hiếu của cả tổ qua nhóm Zalo. Rồi chuyện đôn đốc người đi xét nghiệm, nghe tưởng đơn giản nhưng cũng lắm rối rắm.

Đầu tiên là rà soát người ở trọ, công nhân nơi lán trại, người tạm trú, lập danh sách gửi lên y tế phường. Sau đó là phân bổ, tách mỗi nhóm người một múi giờ khác nhau để tránh trường hợp cả tổ cùng kéo ra lấy mẫu, gây tập trung đông người. Chưa kể, nhiều người sợ “ngoáy mũi” nên nghĩ đủ chiêu trò trốn xét nghiệm, tìm người đóng thế...

Rồi danh sách người đi tiêm ngừa cũng phải cặn kẽ, công bằng, đúng đối tượng, theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên mà thành phố đã ban hành. 12 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố, ông Huỳnh Văn Ngọc nhớ vanh vách số nhân khẩu, số người ở trọ, số phòng trọ trong khu dân cư, hoàn cảnh từng người, số tiền, số gạo mà tổ đã vận động hỗ trợ. Những việc đó đối với ông không khó nhưng khó nhất là đi mua hàng theo đơn của dân.

“Có những cái tế nhị, khó nói lắm. Những hàng không thiết yếu họ cũng nhờ tổ trưởng đi mua. Nhưng khó nhất là đi mua thuốc Tây, 11h đêm vẫn đi mua thuốc tây cho dân. Những thuốc tây đơn giản như đau bụng, đau đầu. Rồi những thuốc đại loại như huyết áp, tiểu đường. Nhiều lúc kể cả nói xin lỗi chứ đồ phụ nữ, họ cũng phải nhờ, mình cũng phải đi”, ông Huỳnh Văn Ngọc chia sẻ.

Những ngày Đà Nẵng căng mình trong dịch bệnh, các khu dân cư từng sầm uất, đông vui giờ im ắng như tờ. Hình ảnh mẫn cán, lặng lẽ và đầy nhiệt thành của các tổ trưởng tổ dân phố vẫn hiển hiện từng góc phố, từng con đường. Lúc đeo băng bảo vệ chốt trực, lúc thì kéo xe hớt hải giữa nắng nóng nhận hàng về phát cho bà con, lúc thì xuyên đêm chạy xe máy đi mua thuốc cho bà con trong nỗi nhọc nhằn, âu lo nặng trĩu...

Hình ảnh của những tổ trưởng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” không chỉ sống động trong thành phố vắng lặng mà còn sinh động ngập tràn trên mạng xã hội ở Đà Nẵng, làm ấm lòng người.

Một Facebooker nổi tiếng ở Đà Nẵng viết: “Ở tổ dân phố mình, ai cần mua gì cứ đăng ký trên Goup Zalo của Tổ, viết trực tiếp cũng được, viết vô giấy rồi chụp ảnh gửi lên cũng được. Tổ thống kê báo lên phường, phường đặt mua rồi chuyển về tổ, những người trong tổ phòng chống dịch sẽ mang đến từng nhà”.

Trang Facebook Ngo Truong Tho nói về hình ảnh các bác Tổ trưởng thật cảm động. Anh bảo “Trong khi, mọi người “Ai ở yên nhà nấy”, phố phường vắng tanh, lạnh ngắt, thì họ đeo khẩu trang đi hết nhà này đến nhà nọ để nắm tình hình đời sống, phát phiếu đi chợ, lấy danh sách xét nghiệm, đăng ký tiêm chủng, mua hàng… Bao nhiêu công việc hậu cần không tên, không tuổi chỉ trông cậy ở người tổ trưởng cáng đáng. Mọi thứ rồi sẽ trở thành ký ức. Chúng ta lại tất bật với đời thường, sẽ quên đi nhiều thứ, trong đó có hình ảnh những Tổ trưởng Dân phố của chúng ta…Vậy thì bây giờ, ngay lúc này đây, xin mọi người hãy ghi lại hình ảnh của họ. Một hình ảnh rất đẹp và rất quý như những bông hoa bừng nở giữa mùa giông bão…”.

Ông Nguyễn Mậu Thanh, ở số nhà 538 đường Trưng Nữ Vương, tổ dân phố 21, Phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu bày tỏ:“Qua mạng Zalo, thông qua tổ dân phố chúng tôi đã được đáp ứng kịp thời cho nhu cầu thiết yếu của bà con khu dân cư. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trì của Bí thư Chi bộ, tổ trưởng dân phố khu dân cư. Họ đều là những cán bộ về hưu đã ngoài 60 tuổi cả rồi nhưng tôi rất phục sự năng nổ của các đồng chí ấy”.

Trong những buổi họp giao ban trực tuyến hàng ngày với Ban chỉ đạo phòng chống dịch 7 quận huyện và 56 xã phường, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thường xuyên nhắc nhở các địa phương phải khen thưởng, động viên kịp thời tổ trưởng tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng. Trong lần thực hiện 10 ngày “ai ở đâu thì ở đó này”, thành phố Đà Nẵng vận động được 3600 tấn rau củ quả từ các doanh nghiệp, địa phương. Công việc của các tổ trưởng dân phố, tổ Covid cộng đồng càng bận bịu hơn khi phải nhận hàng rồi phân chia thành từng bao, cấp phát xuống tận tay tất cả hộ dân. Số rau củ quả không nhiều nhưng bà con nhìn thấy đó là sự chăm lo của chính quyền, sự động viên người dân yên tâm ở nhà. 

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, tổ trưởng dân phố ở Đà Nẵng thực sự là cánh tay nối dài của chính quyền thành phố: “Tổ trưởng dân phố có rất nhiều đồng chí là tuổi cao. Tuy nhiên, trước tình hình của thành phố như thế này, các đồng chí đã sắp xếp công việc gia đình tham gia rất tích cực ở các tổ hỗ trợ tại các khu dân cư để giúp bà con nhân dân. Chúng tôi thấy rất hiệu quả. Lương thực thực phẩm, chúng tôi cung ứng về cũng thông qua các đồng chí đó. Nhân dân ở dưới phản ánh hoặc nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ gì thì cũng thông qua các đồng chí này. Lãnh đạo thành phố rất ghi nhận, trân trọng cảm ơn việc làm của các đồng chí ở các tổ dân phố trong thời gian qua”./.

Ngày 2/8/2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản số 5060/UBND-SYT về việc thành lập Tổ công tác Covid-19 tại cộng đồng, nhằm chủ động và tăng cường hiệu quả công tác giám sát, theo dõi sức khỏe cộng đồng, kịp thời áp dụng các biện pháp cách ly và can thiệp y tế phù hợp.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo UBND các quận, huyện thành lập Tổ công tác Covid-19 tại cộng đồng, chủ động trong việc tổ chức thành phần, số lượng tham gia Tổ công tác (bao gồm công an, dân phòng, hội đoàn thể, y tế địa phương…).

Các địa phương giao nhiệm vụ cho Tổ công tác giám sát việc thực hiện cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo hiệu quả và theo đúng các quy định; theo dõi sức khỏe người dân sống trên địa bàn, nhất là các khu vực nguy cơ cao, có liên quan đến dịch tễ của bệnh nhân xác định mắc Covid-19, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để lấy lẫu xét nghiệm, nhanh chóng có biện pháp y tế phù hợp

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc chiến chống Covid-19 của những tấm gương quả cảm
Cuộc chiến chống Covid-19 của những tấm gương quả cảm

VOV.VN - Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi toàn bộ 16 ca nhiễm Covid-19. Đây là thành công bước đầu trong cuộc chiến quả cảm này.

Cuộc chiến chống Covid-19 của những tấm gương quả cảm

Cuộc chiến chống Covid-19 của những tấm gương quả cảm

VOV.VN - Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi toàn bộ 16 ca nhiễm Covid-19. Đây là thành công bước đầu trong cuộc chiến quả cảm này.

“Đội xe 0 đồng” giúp người dân Đà Nẵng phòng, chống dịch Covid-19
“Đội xe 0 đồng” giúp người dân Đà Nẵng phòng, chống dịch Covid-19

VOV.VN - Qua gần 1 tuần hoạt động, “Đội xe 0 đồng” đã giúp địa phương vận chuyển hàng trăm tấn rau, củ, quả từ các nguồn hỗ trợ đưa đến các điểm tập trung.

“Đội xe 0 đồng” giúp người dân Đà Nẵng phòng, chống dịch Covid-19

“Đội xe 0 đồng” giúp người dân Đà Nẵng phòng, chống dịch Covid-19

VOV.VN - Qua gần 1 tuần hoạt động, “Đội xe 0 đồng” đã giúp địa phương vận chuyển hàng trăm tấn rau, củ, quả từ các nguồn hỗ trợ đưa đến các điểm tập trung.