“Trạm Y tế lưu động có vai trò sẵn sàng cho tình huống dịch bùng phát”
VOV.VN - Theo dõi sát sao diễn biến dịch, các chuyên gia cảnh báo, Hà Nội cần cảnh giác cao độ, đồng thời, xem xét áp dụng cách ly tại nhà, thu gọn cách ly tập trung. Chuẩn bị cơ sở điều trị để nếu dịch bùng phát thì sẽ không bị động.
Lên kịch bản cho 100.000 ca mắc
Hà Nội xác định kịch bản có 100.000 ca mắc COVID-19 với dự báo dịch lây lan mạnh trong dịp Tết sắp tới. Thực tế diễn biến dịch những ngày qua, TP. Hà Nội tiếp tục xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng có diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt, có ổ dịch liên quan đến khu công nghiệp.
Sau khi thí điểm thực hiện cách ly F1 tại nhà, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục có công văn khẩn hướng dẫn các quận, huyện, thị xã về việc triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 - gọi là Trạm Y tế lưu động.
Theo đó, với Kế hoạch 243 của UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Cụ thể, nhiệm vụ của các Trạm Y tế lưu động là thu dung, khám, điều trị cho người bệnh COVID-19 nhẹ, không triệu chứng; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng. Các Trạm Y tế lưu động phải bảo đảm kiểm soát và ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Ngoài ra, trạm y tế lưu động còn hỗ trợ công tác xét nghiệm, tiêm chủng và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời thực hiện khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời nhất, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động và 20 trạm y tế xã lưu động đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã thực nghiệm một số trạm y tế lưu động trước khi vận hành chính thức.
Trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy phục vụ tại chỗ, 2 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người dân, máy đo SpO2, bóng Ambu, test xét nghiệm nhanh COVID-19, trang phục bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS- COV-2, khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn…; máy tính kết nối mạng; 2 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin; đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác... Mỗi trạm có 5 nhân viên y tế, trong đó một người nắm rõ địa bàn, những người khác huy động từ bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.
Trước đó, vào tháng 9, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại quận Thanh Xuân, 11 trạm y tế lưu động tại quận này đã đi vào hoạt động và đã hỗ trợ hiệu quả việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Hà Nội cần thận trọng vì có đặc thù riêng
Theo các chuyên gia, Hà Nội có đặc thù riêng nên phải có các biện pháp thận trọng hơn. PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Trạm Y tế lưu động có vai trò sẵn sàng cho tình huống dịch bùng phát.
“Người mắc COVID-19 vào Trạm Y tế lưu động khi phải cần thở oxy và chưa đến mức vào bệnh viện hoặc bệnh viện quá tải. Còn nếu chỉ theo dõi nhiệt độ, huyết áp thì người dân làm được tại nhà. Nếu đưa hết các trường hợp mắc vào trạm y tế lưu động chỉ để theo dõi nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở thì không cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói.
Đây cũng là ý kiến chuyên gia để hướng tới thí điểm điều trị F0 tại nhà, bởi với các F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ thì cách ly, điều trị tại nhà sẽ có rất nhiều lợi ích.
“Đây là lợi ích cho bản thân người bệnh; lợi ích cho hệ thống y tế cơ sở, y tế địa phương và hệ thống các bệnh viện. Vì nếu những trường hợp này không phải điều trị, mà chỉ cần theo dõi thì y tế địa phương ở phường xã, Tổ COVID-19 cộng đồng và Trạm Y tế lưu động có thể cùng với người dân phối hợp làm được. Điều này vừa giảm tải cho hệ thống y tế, vừa phát huy vai trò của người dân. Về mặt chính quyền, nên chuẩn bị sẵn kết nối khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng để có thể dễ dàng liên hệ chuyển tuyến điều trị. Như vậy, sẽ thuận lợi và thích ứng phù hợp hơn với tình hình dịch; chứ không chờ đến khi quá tải, không thể đi cách ly tập trung được mới cách ly tại nhà”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nêu ý kiến.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, số ca mắc COVID-19 hiện nay tại Hà Nội hầu hết là những người đã tiêm vaccine, do vậy, biểu bệnh thường nhẹ. Kể cả khi tải lượng virus nhiều hơn, biểu hiện lâm sàng cũng không nặng. Số bệnh nhân tử vong không tăng so với trước đây, thậm chí giảm thì cũng không có gì đáng lo ngại.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo, sự chủ quan, phớt lờ quy định phòng, chống, sẽ khiến dịch có thể bùng lên và sẽ ảnh hưởng tới các đối tượng khác, nhất là những người không được tiêm vaccine, những người già, người cao tuổi, người có bệnh nền nặng chưa được tiêm sẽ rất nguy hiểm..
Việc thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K, tránh tụ tập và nhất là luôn mang khẩu trang là những biện pháp đơn giản, nhưng hiệu quả để chống dịch. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức xã hội, các cơ sở như nhà hàng, quán xá, siêu thị, cơ quan… phải nâng cao hơn nữa. Trong đó, vai trò chủ động phòng, chống dịch của các chủ cơ sở rất quan trọng, chứ không chỉ để đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng./.
Mô hình Trạm Y tế lưu động gồm: 1 xe ô tô chuyên dụng, 1 kíp nhân viên y tế có 5 người (gồm 1 bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và 1 dược sĩ). Căn cứ số lượng người bệnh có thể bố trí kíp nhân lực y tế phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở.
Tại mỗi trạm y tế lưu động được chia làm 3 khu: Khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; khu hành chính, hậu cần; khu cách ly, điều trị. Riêng khu vực cách ly, điều trị được chia làm 2 loại đối tượng người bệnh, đó là phòng điều trị F0 khỏe mạnh, không triệu chứng và phòng điều trị F0 triệu chứng nhẹ: Hắt hơi, sổ mũi, ho khan... Ngoài ra, buồng bệnh bảo đảm thông thoáng, phòng bệnh của nam và nữ riêng biệt...
Trạm Y tế lưu động tiếp nhận người mắc COVID-19 mức độ nhẹ là trường hợp có viêm đường hô hấp trên cấp tính, bao gồm, người có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không mắc các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời.
Không tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân COVID-19 là phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý nền.