Trên quê hương Căn cứ Nước Là: Bỏ “phát đốt chọc tỉa” sang “trồng cây xây nhà”

VOV.VN - Căn cứ Liên Khu ủy và Ban Quân sự Khu V tại thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hay còn gọi Căn cứ Nước Là có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ.

Nơi đây, cơ quan Liên Khu ủy chọn đặt đại bản doanh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1959-1964), thực hiện thắng lợi bước đầu về Đường lối chiến lược của Cách mạng miền Nam trong những năm 1960. Trên quê hương căn cứ địa cách mạng Nước Là năm xưa, huyện Nam Trà My ngày nay, đời sống người Xơ Đăng, Ca Dong đã đổi thay mọi mặt. Cơ sở hạ tầng điện, đường trạm cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển. Từ chỗ “phát đốt chọc tỉa” nay, người dân Nam Trà My đã biết “trồng cây, xây nhà”.

Trước năm 2013, từ TakPor, trung tâm huyện Nam Trà My lên các xã vùng cao Trà Nam, Trà Linh phải đi bộ 2 - 3 ngày đường. Giờ đây, khi đường nam Quảng Nam hình thành, chỉ vài tiếng đồng hồ ngồi ô tô, mọi người đều có thể lên đến đỉnh Măng Lùng của núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ. Xa xa trên những triền núi dốc đứng là các thôn nóc của người Xơ Đăng với những ruộng bậc thang xanh mướt. 2 bên đường lên đỉnh Măng Lùng có những ngôi nhà kiểu biệt thự của đồng bào mới xây lừng lững giữa lưng chừng núi, trị giá cả chục tỷ đồng. Anh Hồ Văn Rủi, ở Tak Ngo, xã Trà Linh, một người vừa thoát nghèo trên đỉnh Ngọc Linh cho biết, nhờ có đường giao thông thuận tiện nên người dân quê anh biết vươn lên làm giàu.

Anh Hồ Văn Rủi mồ côi cha mẹ từ bé, lập gia đình từ năm 2007, đến năm 2016, anh Rủi vẫn dẫn đầu danh sách hộ nghèo. Vậy mà chỉ sau mấy năm trồng sâm, bây giờ anh đã có vườn sâm trị giá cả chục tỷ đồng. Mỗi đợt bán sâm, anh Hồ Văn Rủi thu về cả trăm triệu đồng.

"Phát triển từ cây sâm rất tốt. Lúc cần tiền thì em nhổ sâm bán, khoảng 150 triệu một đợt bán. Có cây sâm thì đỡ hơn, có cây sâm thì mua sắm đủ thứ các loại, làm nhà làm cửa, mua xe mua cộ"- anh Rùi.

Khoảng 10 năm trước, khi nhắc đến xã Trà Linh, người ta thường nghĩ ngay đến sự nghèo khó. Đường sá cách trở, để đến được những thôn, nóc nơi lưng chừng núi phải đi bộ mất cả ngày. Đêm đến, người dân quây quần bên bếp lửa hay quanh ánh đèn dầu hiu hắt trong những mái nhà tranh lụp xụp. Bây giờ, xã vùng cao này đã đạt được tiêu chí về giao thông khi đường giao thông trục xã, liên xã đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn 100%; đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt chuẩn. Giao thông mở đến đâu, điện thắp sáng tới đó. Đây chính là những điều kiện rất quan trọng để xã Trà Linh phát huy được lợi thế từ loại cây vẫn được gọi là Quốc bảo – sâm Ngọc Linh. Ông Hồ Văn Viêm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh khoe quê ông giờ đã có nhiều gia đình tỷ phú. Những người có trong tay hàng trăm tỷ không còn hiếm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 27%.

"Những năm sau giải phóng, Trà Linh khổ lắm, chưa có đường, chưa có điện, chưa có trường, chưa có trạm. Tính đến năm nay, thấy sự thay đổi của bà con của địa phương thay đổi rất là nhanh và bền vững. Về điện nói chung cũng đảm bảo. Đường sá thì ô tô đến mọi nơi. Trạm Y tế thì tạm ổn, có bác sĩ trực 24/24 giờ. Bà con đau ốm thì đến trạm để khám và lấy thuốc. Trường học thì có 2 trường là Tiểu học và Trung học cơ sở, cơ bản đảm bảo. Đảng, chính quyền địa phương đều vận động bà con cho học sinh ra lớp, đến trường"- ông Viêm nói.

Anh Đinh Hồng Thắng, người dân xã Trà Mai, huyện Nam Trà My là thế hệ sinh sau năm 1975 có tuổi thơ đầy nhọc nhằn cùng nương rẫy mà quanh năm vẫn không đủ ăn. Bây giờ, điện lưới quốc gia về tới những bản xa nhất, ô tô đã chạy về được hầu hết những thôn, nóc xa xôi. Con cái từ lớp mẫu giáo trở lên được học hành đầy đủ, không còn cảnh phải theo bố mẹ lên rẫy như những năm trước đây.

Anh Đinh Hồng Thắng cảm nhận rõ sự đổi thay trên quê hương căn cứ Nước Là: "Trước kia đường sá khó khăn, đường chưa đến xã chưa đến thôn như hiện tại bây giờ. Sau 10 năm thấy đường sá cơ sở vật chất đời sống bà con phát triển hơn rất nhiều. Bà con nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ cây sâm. Trước kia, đường xe chưa có, nhà cửa chưa xây. Còn bây giờ đi đâu cũng thấy nhà cửa xây rất đẹp. Điều đó thật đáng mừng cho quê hương".

"Từ sau khi tái lập huyện đến nay hầu hết cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Nam Trà My được tập trung các nguồn lực đầu tư rất là lớn. Đến giờ này, hệ thống trường lớp, trạm y tế, đường giao thông về các xã đến giờ phút này, hầu hết các xã đều có đường giao thông về xã. Hiện nay đang tiến đến có đường về tất cả khu dân cư, thực hiện theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tất cả các dịch vụ về xã hội, văn hóa và đời sống"- ông Mẫn nói.

Còn nhớ, ngày mới chia tách huyện Trà My thành 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, năm 2003, Nam Trà My là huyện nghèo nhất nước. Từ đó, đến nay, hàng năm huyện Nam Trà My được đầu tư từ 200 đến 300 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Huyện từng bước phát triển các loại cây dược liệu để cải thiện đời sống người dân, trong đó cây sâm và quế là thế mạnh của địa phương. Để phát triển mạnh cây sâm thì phải xây dựng và mở rộng hạ tầng giao thông. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư vài trăm tỷ đồng mở đường lên vùng trồng sâm. Đồng thời, tỉnh và huyện mỗi năm cung cấp từ 5.000 - 7.000 cây giống cho người nghèo. Trung bình 1 cây sâm giống 1 tuổi hiện nay có giá khoảng 300.000 đồng thì người dân đáp ứng 20%, còn lại nhà nước hỗ trợ, hướng tới mục đích nâng cao mức sống người dân, mở rộng diện tích trồng sâm.

Theo đó, diện tích nương rẫy trên địa bàn huyện giảm dần. Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, thói quen canh tác phát đốt, chọc tỉa dần chuyển sang trồng cây, xây nhà.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 6 - 7%/năm, huyện Nam Trà My dành ngân sách 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng tại Căn cứ Nước Là. Công trình hoàn thành năm 2019, gồm các hạng mục như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà tưởng niệm Võ Chí Công, phục dựng Nhà Hội trường - Giao ban, Nhà làm việc Bí thư Khu ủy Khu V, Nhà làm việc Ban Quân sự Quân khu 5. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển vùng căn cứ địa cách mạng, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của đồng bào các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn.

“Hòa chung vào khát vọng phát triển của tỉnh Quảng Nam, đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, tận dụng được các cơ chế, chính sách hỗ trợ, các chương trình hỗ trợ miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; Tích cực tham gia hưởng ứng, phát triển sản xuất để từ đó cuộc sống có thể phát triển bền vững hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đưa Tết đến vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, Kon Tum
Đưa Tết đến vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, Kon Tum

VOV.VN - Trong những ngày cận Tết này tại tỉnh Kon Tum nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn đang tiếp tục được tổ chức.

Đưa Tết đến vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, Kon Tum

Đưa Tết đến vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông, Kon Tum

VOV.VN - Trong những ngày cận Tết này tại tỉnh Kon Tum nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn đang tiếp tục được tổ chức.

Về căn cứ cách mạng nghe Già làng kể chuyện kháng chiến
Về căn cứ cách mạng nghe Già làng kể chuyện kháng chiến

VOV.VN -Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là vùng căn cứ kháng chiến B4 – liên tỉnh IV. 

Về căn cứ cách mạng nghe Già làng kể chuyện kháng chiến

Về căn cứ cách mạng nghe Già làng kể chuyện kháng chiến

VOV.VN -Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông là vùng căn cứ kháng chiến B4 – liên tỉnh IV.