Triều cường tiếp tục dâng cao ở ĐBSCL, nhiều nơi vượt báo động 3
VOV.VN - Sáng 11/10 các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nước triều tiếp tục lên cao, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân địa phương.
Sáng nay (11/10), tại TP. Cần Thơ triều cường tiếp tục vượt báo động III, nhiều tuyến đường trong nội ô Cần Thơ bị ngập sâu, người dân bì bõm vượt qua các tuyến đường đến công sở làm việc. Theo Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước đo được trên sông Hậu hôm nay là 2,23m cao hơn mức báo động III là 0,23m, các vùng trũng thấp, ven sông rạch, đường giao thông có cốt nền thấp bị ngập sâu. Nhiều tuyến đường như Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng 8, đường Võ Văn Kiệt, Mậu Thân, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Huỳnh Cương, đại lộ Hòa Bình và rất nhiều tuyến đường khác tại Cần Thơ bị ngập sâu.
Tại những điểm ngập sâu lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông phân luồng, điều tiết giao thông để tránh ùn tắc; đoàn thanh niên, công an và dân quân tự vệ và các nhóm sửa xe đã hỗ trợ người dân đẩy xe và sửa xe miễn phí cho người dân để tiếp tục đến cơ quan, đơn vị để làm việc.
Ông Nguyễn Phước Phú, sống trên đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, năm nay triều cường lên cao nhất trong những năm trở lại đây, người dân di chuyển qua tuyến đường này hầu như xe bị chết máy, nhiều người thấy cảnh triều cường dâng cao, đường ngập sâu đành quay lại tìm đường khác để đi.
"Triều cường lên quá nhà dân vô hết luôn rồi, người ta đi lại khó khăn nếu xe nào không đi được phải quay đầu lại chứ không có đi được nữa, chết máy dẫn bộ, đi tới con bị té nữa. Sâu quá chạy không được nước đẩy làm cho té xe, tới đằng đó sâu mất tiêu luôn"- ông Phú nói.
Trước diễn biến của đợt triều cường cao nhất trong năm, UBND thành phố đã yêu cầu các sở ngành, địa phương kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là các tuyến đê bao ở các huyện đầu nguồn như Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các Cồn trên sông Hậu.
Tại Vĩnh Long, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, mực nước tại các điểm đo được trên địa bàn thường xuyên duy trì ở mức cao. Cụ thể tại trạm: Mỹ Thuận 2,13m; Ba Càng 1,99m; Phú Đức 2,11m; Nhà Đài 1,41m; Tích Thiện 2,16m; Tân Thành 1,88m; Vũng Liêm 2,14m. Hiện nay các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đang thống kê thiệt hại do triều cường gây ra, chỉ tính tại hiện Bình Tân thông kê sơ bộ đã có 400m đê bao bị tràn, vỡ 10 m, 3 đập bị bể với tổng chiều dài là hơn 11m, 200 m đường bị tràn nước, và 170 căn nhà bị ngập.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của triều cường để thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là người dân vùng thấp, trũng, gần sông và chủ đầu tư các công trình ven sông rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh. Ông Lưu Nhuận, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: "Đề nghị các địa phương rà soát các điểm sung yếu có sự chủ động trước để thông báo cho người dân biết để có thông tin. Thông qua tin nhắn từ Ban chỉ huy tỉnh phải thông tin đến các xã để người dân có sự chủ động để có biện pháp đối phó".
Theo thông tin mới nhất từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, dự báo từ hôm nay 11/10 đến 14/10 triều cường kết hợp với mực nước cao trên sông Hậu gây ngập lụt nhiều nơi trong tỉnh Hậu Giang tại các huyện Châu Thành, Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp, với thời gian xuất hiện đỉnh triều cao vào sáng sớm từ 4h30’-7h30’ và chiều tối từ 16h30’-19h30’, kéo dài từ 5-7 ngày.
Bên cạnh đó, tốc độ dòng chảy trên các sông, kênh mạnh, mực nước cao sẽ tràn qua đường, đê ngăn, bờ bao và sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt, đi lại của người dân, vườn cây ăn trái và thủy sản. Hiện các địa phương trong tỉnh Hậu Giang thuộc vùng trũng và nằm ven sông Hậu đang khuyến cáo người dân tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng chống ngập úng như: che, vây bờ ao cá, đắp bờ bao vườn cây ăn trái, bố trí máy bơm để bơm nước ra; Những đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết cắm biển báo và chú ý đưa đón con nhỏ đi học trong thời gian đỉnh triều cao, ngăn cấm các em nhỏ và học sinh tắm sông. Các đò ngang, đò dọc, thuyền, ghe trên sông lớn tránh xa dòng chảy xoáy.
Ông Nguyễn Tấn Trung- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, địa phương nằm cặp sông Hậu đang chịu ảnh hưởng nặng do triều cường dâng cao cho biết: Địa phương đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ hơn 10 ngàn ha vườn cây ăn trái.
“Địa bàn huyện Châu Thành, trong đó địa bàn các xã ven sông Mái Dầm, sông Hậu, các sông giáp Cần Thơ bị ảnh hưởng rất là nhiều. Vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra thì có 6 cái điểm bị nước tràn ngập vô thì địa phương đã kịp thời khắc phục không có ảnh hưởng đến tài sản cũng như hoa màu.. của người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục túc trực 24/24, những điểm nào có nguy cơ thì chúng tôi sẽ khắc phục ngay để không ảnh hưởng đến bà con”- ông Trung nói.
Các địa phương trong khu vực ĐBSCL hiện đang thống kê thiệt hại lúa, hoa màu và nhà cửa để có biện pháp hỗ trợ khó khăn cho người dân, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra ./.
Một số hình ảnh triều cường: