"Tỷ lệ tử vong do Covid-19 không tăng thì không đáng lo ngại"
VOV.VN - Theo các chuyên gia, chống dịch trong giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn, thì vấn đề không nằm ở con số F0 gia tăng.
Xác định chống dịch thích ứng linh hoạt, an toàn, với nhiều hoạt động được nới lỏng số ca mắc COVID-19 sẽ tăng tại nhiều địa phương, đặc biệt, sẽ xuất hiện nhiều ca cộng đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, chống dịch trong giai đoạn này vấn đề không nằm ở con số F0 gia tăng. Nếu tỷ lệ tử vong không tăng thì không đáng lo ngại và hiện quan trọng nhất là cần quan tâm là tỷ lệ chuyển nặng và tử vong của bệnh nhân.
Tại Hà Nội, tính từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 (từ 11/10/2021) đến 18h ngày 5/1/2022, thành phố đã ghi nhận tổng cộng hơn 55.880 ca mắc COVID-19, với trung bình 627 ca/ngày.
Hiện có gần 25.800 F0 ở Hà Nội đang được cách ly, điều trị tại nhà. Toàn thành phố cũng thực hiện tiêm được hơn 12.800.000 liều vaccine COVID-19, trong đó, với người trên 18 tuổi tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine đạt 98,7 %. TP. Hà Nội đang đẩy nhanh tiêm mũi 3 vaccine cho những người đủ điều kiện.
Đánh giá diễn biến dịch tại Hà Nội hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, số ca mắc COVID-19 mới vẫn còn tăng và có thể kéo dài một thời gian nữa, bởi dịch hiện nay đã lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cơ bản trong bối cảnh hiện nay chỉ cần chú ý tới số người phải nằm viện thay vì tập trung vào số lượng F0.
“Như TP.HCM hiện nay khó nói là con số tăng hay giảm, bởi rất nhiều người nhiễm không triệu chứng, đây không còn là điều đáng chú ý nữa. Hà Nội tuy đã triển khai cách ly, các biện pháp nhưng số nhiễm vẫn tăng lên. Về tốc độ tăng của Hà Nội trong giai đoạn gần đây là khá mạnh, mạnh hơn trước đây; con số mắc càng lớn thì tốc độ tăng càng nhanh. Tuy nhiên, cơ bản tỷ lệ tử vong không tăng thì không đáng lo ngại. Hiện quan trọng nhất cần quan tâm là tỷ lệ chuyển nặng và tử vong”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga vẫn khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang tới gần, với nhiều hoạt động tập trung diễn ra, người dân đi lại, giao lưu nhiều…
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trong bối cảnh người dân đã tiêm tương đối đủ các mũi cơ bản và nhiều người đã được tiêm mũi 3 thì chủ yếu cần bảo vệ những người yếu, có bệnh nền, người không tiêm được vaccine: “Những người khỏe, người đã được tiêm cần biết tự bảo vệ mình. Không chủ quan trong phòng, chống dịch khi Tết Nguyên đán đang đến gần”.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng nêu ý kiến cho rằng, việc phân loại F1, F2 hiện nay không còn quan trọng nữa. Thay vào đó chỉ cần chú ý tới những trường hợp mắc COVID-19 nặng, phải nhập viện, người có nguy cơ tử vong.
Đồng thời, tập trung tiêm phủ vaccine mũi 1, 2 trước: “Thế giới cũng chưa khuyến cáo tiêm mũi 3 đại trà cho người bình thường, mà mới chỉ tiêm cho những người nguy cơ bị diễn biến nặng. Cần phủ hết các mũi cơ bản rồi mới tính đến mũi 3 đại trà”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Về triển khai cách ly, điều trị F0 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, các trường hợp này có thể tự theo dõi sức khoẻ, thậm chí được chữa bệnh tại nhà trong trường hợp họ bị mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng. Bệnh viện chỉ tiếp nhận điều trị những ca bệnh nặng, có biến chứng.
Tuy nhiên, điều kiện để F0 được cách ly phải đảm bảo tuyệt đối nghiêm ngặt, không để tiếp xúc với người khác, sinh hoạt không liên quan đến người khác, không để lây lan mầm bệnh ra cộng đồng. Khi cách ly tại nhà, các F0 phải biết cách tự theo dõi sức khoẻ, theo dõi các dấu hiệu, chuyển biến trong cơ thể để báo cho y tế.
Để đảm bảo tránh lây nhiễm khi cách ly tại nhà, các gia đình có bệnh nhân phải áp dụng triệt để các biện pháp như: Luôn luôn đeo khẩu trang, người nhà không tiếp xúc, người mắc bệnh phải có buồng riêng, sinh hoạt riêng hoàn toàn… F0 cách ly tại nhà có thể dùng điều hòa nhưng phải là hệ thống điều hòa riêng, không để không khí trong phòng người bệnh tràn ra ngoài chỗ sinh hoạt của gia đình, chung cư, có thể dùng quạt để thổi không khí trong phòng ra phía ngoài cửa sổ ngoài trời. Đặc biệt, người cách ly không được dùng điều hòa nếu là hệ thống điều hòa trung tâm./.