Vẫn còn một số nơi tiến độ tiêm vaccine Covid-19 còn chậm, chưa nỗ lực
VOV.VN - Đa phần nhiều nơi trên cả nước đang ra sức nỗ lực đảm bảo tiến độ tiêm vaccine Covid-19, tuy vậy vẫn còn một số tỉnh ở Đông Nam Bộ tiêm vaccine chậm vì những lý do khác nhau
Đắk Nông đảm bảo tiến độ tiêm phòng vaccine Covid-19
Theo phóng viên Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên, đến nay toàn tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành 4 đợt tiêm phòng vaccine Covid-19. Đắk Nông là một trong 4 địa phương của cả nước đảm bảo tiến độ tiêm chủng vaccine đúng thời gian quy định.
Theo đó, trong 4 đợt ngành y tế Đắk Nông đã hoàn thành tiêm cho hơn 44.100 người, trong đó có hơn 6.000 người đã hoàn thành tiêm mũi hai. Các trường hợp được tiêm vaccine phòng COVID-19 thuộc nhóm ưu tiên là những người làm việc trong các cơ sở y tế, người tham gia phòng chống dịch và công nhân làm việc ở 3 khu công nghiệp của tỉnh. Để việc tiêm chủng vaccine đạt hiệu quả, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã tổ chức tiêm tại 8 địa điểm, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở thành phố Gia Nghĩa và 7 Trung tâm Y tế các huyện.
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận xe chuyên dụng tiêm vaccine lưu động từ nguồn hỗ trợ của Bộ Y tế. Việc đưa xe chuyên dụng vào sẽ giúp ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các vùng miền núi, biên giới có điều kiện đi lại khó khăn.
Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng được tiêm chủng ngoài khám sàng lọc, giám sát chặt tình trạng sức khỏe trước và sau khi tiêm, các đơn vị tổ chức tiêm chủng luôn thực hiện đúng thời gian quy định, thực hiện nghiêm biện pháp 5k của bộ Y tế.
“Cán bộ và nhân dân rất hưởng ứng, chính quyền các cấp rất tạo điều kiện, các đoàn thể cũng vậy. Đến nay tỉnh Đắk Nông là 1 trong 4 tỉnh được Bộ Y tế đánh giá tổ chức tiêm chủng nhanh nhất, đạt tiến độ Bộ đề ra. Tỉnh đảm bảo tiến độ và tiêm vaccine nhanh là do chúng tôi đã triển khai cụ thể kế hoạch tiêm chủng, khi vaccine chưa về chúng tôi đã xây dựng trước kế hoạch sơ bộ, khi có số lượng là làm ngay chứ không chần chừ”, ông Hùng chia sẻ.
Xe tiêm vaccine lưu động ở Cần Thơ bắt đầu tiêm cho người dân khu phong tỏa
Phóng viên Hồng Phương/VOV-ĐBSCL cho biết, chiều 11/8, ngành Y tế TP Cần Thơ chính thức triển khai xe tiêm vaccine ngừa Covid-19 lưu động đến các khu vực phong tỏa để tiêm cho người dân.
Điểm đầu tiên đội lưu động tiến hành tiêm khu vực phong tỏa đường Lý Tự Trọng, phường An Phú, quận Ninh Kiều. Trên xe có đầy đủ các dụng cụ tiêm vaccine và cấp cứu như bình oxy, thuốc chống sốc, thuốc huyết áp... Đội ngũ tiêm thuộc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, nhân viên y tế phường An Phú.
Đội lưu động sẽ thực hiện tiêm ngừa cho 137 người dân nằm trong cụm phong tỏa từ chiều cho đến tối 11/8. Trước khi tiêm, người dân tại đây được lấy mẫu test nhanh COVID-19 3 lần và phát 1 phiếu đồng ý tiêm vaccine. Ghi nhận tại điểm tiêm xe lưu động, người dân đều rất phấn khởi, vui mừng khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Chị Phạm Thị Thanh Thanh, nằm trong cụm phong tỏa hẻm 71, đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chia sẻ: “Đi tiêm sẽ tốt và an toàn hơn cho người dân. Tuy nhiên, nếu người dân di chuyển đến khu tập trung tiêm sẽ dễ bị lây bệnh, xe lưu động tới tiêm sẽ an toàn hơn rất nhiều.Việc làm này khiến cho chúng tôi cảm thấy rất đồng lòng và thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định”.
Trong những ngày tới, việc phân bổ địa điểm tiêm lưu động mỗi ngày cho người dân trong khu vực phong tỏa, khu có nguy cơ rất cao sẽ do UBND TP Cần Thơ, Sở Y tế Cần Thơ sắp xếp, điều phối và phối hợp với các bệnh viện, Trung tâm Y tế quận, huyện tổ chức lực lượng đến tiêm.
Hiện, TP Cần Thơ đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 đợt 5 với tổng số khoảng 170.370 liều. CDC sẽ phân bổ dựa trên quy mô dân số. Ở các quận, huyện có ổ dịch trọng điểm, mỗi quận, huyện đảm bảo tiến độ tiêm tối thiểu 20.000 liều/ngày. Các quận, huyện khác, mỗi quận, huyện đảm bảo tiêm tối thiểu 10.000-20.000 liều/ngày. Ðiểm tiêm cố định tại cơ sở y tế và điểm tiêm lưu động tại trường học.
Nhiều tỉnh Đông Nam Bộ tiêm vaccine chậm: Nơi thiếu nhân lực, nơi "quên" nhập số liệu
Theo nhóm phóng viên VOV-TP.HCM, mới đây, Bộ Y tế nêu tên nhiều tỉnh khu vực Đông Nam Bộ có tốc độ tiêm vaccine chậm là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh. Bộ Y tế cảnh báo sẽ điều chuyển vaccine tới các tỉnh khác nếu không khắc phục được tình trạng này. Trước sự sốt ruột của người dân, lãnh đạo các địa phương đang tìm mọi cách đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Đây là nội dung bài viết của nhóm phóng viên thường trú tại TP.HCM.
Người dân mong ngóng tiêm vaccine
Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp với lực lượng người lao động đông đảo, là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, tốc độ triển khai tiêm vaccine tại tỉnh này còn chậm.
Ông Nguyễn Văn Chừng, làm tài xế tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch bày tỏ bức xúc bởi tốc độ tiêm vaccine tại các doanh nghiệp sản xuất chậm, trong khi đây là lực lượng phục vụ vận chuyển hàng hóa, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.
Trước thông tin Bộ Y tế sẽ điều chuyển lượng vaccine nếu các tỉnh không khắc phục được tình trạng tiêm chậm như hiện nay, ông Nguyễn Văn Chừng cho rằng như vậy sẽ rất thiệt thòi cho người dân.
“Nếu cứ chậm trễ như vậy khiến dân rất thiệt thòi. Yêu cầu giữa tỉnh Đồng Nai và các huyện cần có sự thống nhất phân bổ lượng vaccine xuống. Từ đó đến với người lao động và người dân được nhanh hơn. Còn ở phường, xã thì tính toán đối tượng được chích nhanh hơn, bây giờ lo chống dịch hơn là đăng ký tiêm vaccine”, ông Chừng cho hay.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, người dân cũng lo lắng trước tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp nhưng chính quyền chưa tổ chức tiêm rộng rãi trong cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, nhà ở phường 12, TP Vũng Tàu chia sẻ: “Qua 4-5 đợt tiêm vaccine của địa phương nhưng chị và nhiều người dân trên địa bàn chưa được tiêm để bảo đảm sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng nơi sinh sống. Tôi không biết tại sao vì qua 4-5 đợt tiêm chủng rồi nhưng chưa được tiêm, tôi cũng mong muốn được tiêm vaccine sớm để phòng bệnh, bảo vệ chính chính và cho người thân. Hiện nay tôi thấy tình hình dịch bệnh rất phức tạp, không an toàn, rất nguy hiểm vì vậy mong chính quyền tiêm đại trà cho người dân”.
Các tỉnh cần đẩy nhanh tốc độ
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thừa nhận, thời gian đầu, do tập trung nhân lực dập dịch nên “quên” việc tiêm vaccine cho người dân. Trước phản ánh của người dân, Bình Dương đã phát động chiến dịch tiêm chủng mở rộng. Do những ngày đầu chỉ tiêm được khoảng 5.000 liều/ngày nên tỉnh này đã phân bổ về cho các địa phương và Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp. Mỗi địa phương tự vận động cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tham gia tiêm vaccine cho người dân; khu công nghiệp phối hợp với doanh nghiệp thuê đơn vị ngoài vào tiêm cho công nhân.
Bằng cách làm này, tới ngày 11/8 thì Bình Dương đã tiêm 546.000 liều vaccine trong tổng số 590.000 liều vaccine được Bộ Y tế phân bổ. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy Bình Dương chỉ mới tiêm được 143.000 liều vaccine là do quá trình nhập liệu cập nhật của tỉnh này lên hệ thống còn chậm.
Còn tại Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc lý giải việc triển khai tiêm vaccine chậm là do có những khó khăn bước đầu như lực lượng y tế mỏng, cần phải bố trí lại. Ngoài ra, do Tây Ninh cũng đang thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị 16 nên cũng có khó khăn trong việc sắp xếp người dân đi tiêm chủng… Để khắc phục, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực y tế tham gia, nhờ đó đã nâng công suất từ 2.000 liều/ngày lên 22.000 liều/ngày. Vì thế, trong 79.000 liều vaccine mà tỉnh đã nhận thì sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành trước ngày 15/8.
“Huy động tối đa lực lượng y bác sĩ công và tư cả lực lượng vũ trang, thực hiện luôn cả các khung giờ ban ngày, ban đêm và không có ngày nghỉ. Đồng thời sắp xếp bố trí để bảo đảm giãn cách cho các hộ dân đến tiêm. Đến giờ này, quyết tâm trách nhiệm cao nhất là bảo đảm tiến độ tiêm nhưng phải an toàn nhất”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, địa phương được Bộ Y tế phân bổ 5 đợt vaccine với hơn 219.450 liều. Thời gian qua tỉnh đã tổ chức tiêm cho các lực lượng tuyến đầu, đến thời điểm này tỉnh đã hoàn thành tiêm xong đợt 4, kế hoạch đợt 5 cũng đang được các địa phương triển khai trong ngày 11/8. Thời gian qua có sự chậm trễ trong việc tiêm vaccine là do nhiều nguyên nhân, trong đó có khâu triển khai và nhân lực tổ chức.
“Tiêm chậm là do khâu tổ chức của chúng ta, trong đó chính nhân sự mới ảnh hưởng đến tổ chức. Chính vì thể tỉnh đã thành lập tổ tiêm vaccine, giao đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban làm tổ trưởng, để điều hành toàn bộ, phân phối về vaccine, thành lập các Ban chỉ đạo ở các khu vực để tổ chức tiêm, đảm bảo miễn dịch cộng đồng”, bà Yến cho hay.
Để khắc phục tình trạng tiêm vaccine chậm, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết: Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP đã có kế hoạch để tăng cường nhân sự cho công tác tiêm chủng.
“Khó khăn hiện nay là nguồn nhân lực về y tế dẫn tới số lượng bàn tiêm không nhiều để đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới. TP Biên Hòa đang huy động thêm y tế tư nhân bên ngoài và sự hỗ trợ từ đơn vị khác như Sở Y tế”, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho hay.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu thu hồi lại số vaccine đã phân bổ cho các doanh nghiệp nhưng chưa tiêm, để phân bổ lại cho các đối tượng khác. Đồng thời kêu gọi lực lượng y tế tư nhân, các y, bác sỹ đã về hưu, các cơ sở y tế chuyên khoa… cùng vào cuộc. Các loại máy móc và nhân sự phục vụ nhập liệu thì huy động từ các sở, ban, ngành trong tỉnh, giảm tải cho đội ngũ nhân viên y tế.
Các tỉnh Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, việc tiêm vaccine cần phải được lãnh đạo các địa phương quan tâm, chú trọng hơn nữa, thực hiện nhanh, an toàn, từ đó khống chế dịch bệnh để từng bước ổn định sản xuất./.