Vì sao các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở TP.HCM vẫn gia tăng?
VOV.VN - Sở Y tế TP.HCM vừa lý giải tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19 mới trong những ngày qua trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là nhiều ca nhiễm được ghi nhận trong cộng đồng.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), số ca COVID-19 trung bình theo ngày trên địa bàn thành phố cao nhất vào tuần lễ từ ngày 23/7 đến 29/7 (với trung bình 4.916 trường hợp mỗi ngày) và giảm dần vào các tuần kế tiếp từ 13/8 đến 17/8 (trung bình 3.837 trường hợp mỗi ngày).
Qua phân tích, số ca mắc trong tuần từ 13/8 đến 17/8 cho thấy số ca mắc mới chưa có sự biến động rõ rệt, có hiện tượng tăng nhẹ trong 2 ngày là 14/8 và 15/8 (dao động từ 4.200 - 4.500 ca/ngày) sau đó giảm nhẹ trở lại vào ngày 16/8 và 17/8 (dao động từ 3.300 - 3.500 ca/ngày). Số trường hợp F0 mới có triệu chứng cần phải nhập viện điều trị có sự tăng nhẹ vào 2 ngày 15/8 và 16/8 (dao động từ 2.900 - 3.000 ca/ngày).
Sở Y tế TP.HCM cho biết, kế hoạch ngày 15/8/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, với mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh Covid-19 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn. Theo đó từ ngày 15/8 đến 22/8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch, đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao, dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0 (cụ thể ngày 17/8 đã có 1.435 trường hợp F0 phát hiện trong cộng đồng).
Cùng với quyết tâm bóc tách tất cả các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng dân cư, ngành y tế thành phố thiết lập 3 tầng thu dung điều trị, trong đó tầng 1 lần đầu tiên triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với gói thuốc điều trị tại nhà nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh phục hồi sức khỏe, đồng thời giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị thuộc tầng 2. Các bệnh viện thuộc tầng 2 tiếp tục được đầu tư, tăng cường nguồn oxy và các trang thiết bị phù hợp, nhất là các thuốc điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giúp giảm các trường hợp chuyển nặng, nguy kịch, giảm áp lực cho các bệnh viện tầng 3. Ngoài ra các Trung tâm Hồi sức Quốc gia đã đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu hồi sức tích cực cho các trường hợp nguy kịch trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay./.