Việt Nam có thể kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022?
VOV.VN - WHO đã lên kế hoạch nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022. Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn chuyển tiếp của Việt Nam để đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Bộ Y tế đang tiếp tục tổng hợp ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và các cơ quan quan liên quan để hoàn thiện xây dựng Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022-2023 trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành ngày 31/3/2022, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo ý kiến các chuyên gia, diễn biến đại dịch COVID-19 khó lường, do vậy WHO đã có nhiều kịch bản để đáp ứng với diễn biến của dịch. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp và chuẩn bị các kịch bản, các biện pháp chủ động và đáp ứng dịch bệnh phù hợp.
PV: Ngày 31/3/2022, WHO đã ban hành kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022. Xin ông phân tích cụ thể kế hoạch này của WHO?
Ông Trần Đắc Phu: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa qua đã công bố kế hoạch kết thúc “tình trạng khẩn cấp” của đại dịch COVID-19. Cần phải lưu ý đây không phải là công bố kết thúc đại dịch COVID-19.
Theo đó, WHO cũng đưa ra các kịch bản trong thời gian tới, như có những đợt bùng phát ít nghiêm trọng hơn, khi khả năng miễn dịch suy giảm có thể cần mũi tiêm vaccine nhắc lại cho người có nguy cơ cao nhất hay nguy cơ dịch có thể diễn biến theo mùa, giống như cúm mùa… Kịch bản đáng chú ý nhất của WHO là khả năng xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong tương lai nhưng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, kháng thể duy trì lâu dài hơn mà không cần tiêm vaccine nhắc lại hoặc không có thay đổi đáng kể với các vaccine hiện có.
Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo kịch bản tồi tệ nhất là virus có thể biến đổi, với những đe dọa mới như khả năng lây truyền cao hơn, gây bệnh nặng hơn, tính nghiêm trọng cao hơn… Trong trường hợp này, vaccine kém hiệu quả hơn, khả năng khỏi bệnh và miễn dịch sẽ suy yếu nhanh chóng. Theo đó, có thể có cần có một loại vaccine mới để tiêm mở rộng, trong đó ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương.
Dù có kịch bản kết thúc “tình trạng khẩn cấp” của đại dịch COVID-19, WHO vẫn kêu gọi các nước tăng cường giám sát để phát hiện và cảnh báo sớm những dấu hiệu thay đổi của virus. Theo tôi, khuyến cáo của WHO vẫn chú trọng vào biện pháp tiêm chủng. Qua đây chúng ta có thể thấy, WHO chưa chắc chắn và khó dự báo được những biến đổi của SARS-CoV-2, của đại dịch COVID-19 theo hướng nào.
Những kịch bản của WHO đưa ra theo hướng các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian vừa qua và đã nới lỏng các hoạt động, mở cửa du lịch và cả không yêu cầu khai báo y tế, song WHO vẫn cẩn trọng trước đại dịch. Các kịch bản đưa ra đều có hướng phù hợp nhất, đặc biệt chú trọng đáp ứng bền vững, không bị động trước bất kỳ tình huống nào và tập trung vào sử dụng vaccine trong phòng, chống dịch.
PV: Vậy Việt Nam cần điều kiện gì về kiểm soát dịch để kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022?
Ông Trần Đắc Phu: Với diễn biến dịch cụ thể tại Việt Nam, cùng với hướng dẫn của WHO, chúng ta cần tiếp tục theo dõi các thông tin và diễn biến dịch trên thế giới, đặc biệt là những biến đổi của virus. Ngành y tế cần có những cách thức giám sát để nắm được tình hình dịch bệnh. Việt Nam cần có riêng những kịch bản phù hợp để áp ứng kịp thời và không bị bất ngờ trước bất cứ diễn biến mới của dịch bệnh. Theo đó, vẫn đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, với sức khỏe người dân được đặt lên trên hết.
Sau diễn biến dịch COVID-19 mới nhất, Việt Nam đã đưa ra 2 kịch bản chống dịch. Trong đó, có kịch bản theo hướng virus sẽ nhẹ đi và COVID-19 trở thành bệnh thông thường. Thứ 2 là dịch diễn biến trầm trọng hơn, theo đó, cần tập trung vào chiến lược đáp ứng để chống dịch hiệu quả.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần một giai đoạn chuyển tiếp để quan sát và theo dõi diễn biến dịch trên toàn cầu, để xác định dịch đi theo hướng nào và quyết định áp dụng phòng, chống dịch theo kịch bản nào.
Trong giai đoạn này, chúng ta tiếp tục chiến lược thích ứng linh hoạt. Đây là chiến lược vô cùng quan trọng khi không chỉ thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong từng diễn biến dịch mà còn trong từng kịch bản đáp ứng dịch theo sự thay đổi của virus. Tôi muốn nhấn mạnh việc đánh giá đúng nguy cơ để đáp ứng đúng. Bởi đánh giá nguy cơ không đúng, đáp ứng không tới chúng ta sẽ không kiểm soát được dịch bệnh. Thực tế, thời gian chống dịch tại Việt Nam vừa qua, có những địa phương đáp ứng quá với những biện pháp thắt chặt, phong tỏa… gây ra ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế. Hiện nay, cả nước đã có chiến lược chống dịch phù hợp hơn trong các vấn đề phong tỏa, cách ly, điều trị tại nhà…
Đặc biệt, chúng ta cần đồng nhất các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với các dịch bệnh khác để tránh sự tốn kém không cần thiết. WHO cũng đang cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi - cũng là bệnh lây qua đường hô hấp.
Chúng ta vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, trong đó khuyến khích và đề cao phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… Bên cạnh đó, tiêm vaccine cũng cần được lưu ý, thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó cần tiêm nhắc lại cho các đối tượng nào để đảm bảo duy trì miễn dịch.
PV: Theo ông, trong các kịch bản của Việt Nam có bao gồm việc đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hay không?
Ông Trần Đắc Phu: Thực tế, dịch COVID-19 khó dự báo diễn biến. Nếu không, WHO và chúng ta đã không phải chuẩn bị nhiều kịch bản, mà thay vào đó đưa ra cụ thể biện pháp ứng phó hay chuyển về dịch bệnh thông thường.
Theo tôi, có khả năng dịch COVID-19 sẽ trở thành dịch bệnh lưu hành hằng năm. Song thời điểm này chúng ta cần giai đoạn chuyển tiếp để chuẩn bị các kịch bản, các biện pháp đáp ứng phù hợp. Theo đó, khi COVID-19 có thể xác định là bệnh thông thường, chúng ta sẽ không bị tổn thất quá lớn về đầu tư cho các biến pháp ứng phó thái qua.
Giai đoạn chuyển tiếp có thể kéo dài đến cuối năm 2022 để quan sát, theo dõi diễn biến dịch, đồng thời có những biện pháp phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.
Khi xác định COVID-19 không còn là dịch bệnh khẩn cấp, virus không còn biến chủng nguy hiểm, không gây bệnh trầm trọng và WHO cũng khẳng định COVID-19 đã diễn biến nhẹ đi thì có thể chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hay bệnh lưu hành. Ví dụ như năm 2009, chúng ta có đại dịch cúm H1N1, nhưng sau đó đã chuyển thành bệnh lưu hành.
PV: Xin cám ơn ông!./.