Vơi đi nỗi lo chạy lũ
VOV.VN - Năm nay, người dân vùng rốn lũ tỉnh Quảng Bình đã vơi đi nỗi lo chạy lũ nhờ những ngôi nhà chống lũ cộng đồng, nhà chống lũ hộ gia đình, nhà phao nổi kết hợp với phương án “4 tại chỗ”.
Tân Hoá là xã vùng trũng của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nơi này, bốn bề là những dãy núi cao được ví như một túi đựng nước khổng lồ. Trước đây, khi mưa lớn, người dân Tân Hóa phải kéo nhau lên bìa rừng hoặc núi cao tránh lũ, đối mặt với đói rét, bệnh tật do nước lũ cô lập kéo dài. Bây giờ, bà con đã xây dựng nhà phao, mọi người không còn phải chạy lũ mà có thể sống chung với lũ một cách an toàn.
Bà Cao Thị Tuyết Nhung, ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, nhà phao dùng làm kho chứa lương thực, đồ đạc, đến mùa lũ về thì nó trở thành chiếc phao cứu sinh cho cả gia đình tránh lũ an toàn.
“Mùa mưa nước lũ những năm trước ngập nhà, không có chỗ ở, lúa, ngô bị nước ngâm hết. Phải làm nhà nổi này để chứa lúa, ngô và người ở. Nếu không có nhà nổi thì gạo không có mà ăn, áo quần không có mặc, người không có chỗ ở phải di chuyển vào trong núi ở tránh lũ”, bà Nhung nói.
Cho đến tận bây giờ người dân ở thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn không quên thời điểm này năm ngoái mọi người hớt hải chạy lũ giữa trời mưa như trút nước. Những ngày này, khi trời đổ mưa, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo, ở thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh đã chủ động kê đồ đạc lên gác trên của ngôi nhà chống lũ. Hàng xóm kế bên nhà bà Thảo cũng vừa hoàn thành chiếc bè phao diện tích gần 15m2, bên dưới gắn 9 thùng phuy rỗng chịu được trọng lượng 2,5 tấn. Chiếc bè nổi này sẽ giúp gia đình đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản khi lũ lớn. Theo bà Nguyễn Thị Thảo, năm nay bà con đã chủ động ứng phó thiên tai, trâu bò được đưa đến chỗ an toàn, ngồi ở nhà cao đợi lũ đến chứ không còn chạy lũ như những năm trước.
“Thiết kế nhà phải thiết kế cao để có thể chuẩn bị đồ đạc khi lụt vào thì phải kê gác lên cao. Huy động tất cả, kêu gọi con cháu, anh em lại giúp đỡ kê đồ. Đi ra quán mua đồ dự trữ, mình dự kiến dự trữ 1 tuần đến 10 ngày, dự trữ thêm nước uống, mua khoảng 10-15 bình gì đó để cất”bà Thảo cho hay.
Ngước nhìn ngôi nhà tránh lũ cộng đồng của thôn Hữu Tân được xây dựng kiên cố, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết: “Từ nay người dân có nơi an toàn để tránh mưa to, gió lớn, bà con không còn vất vả chạy lũ nữa”. Ngôi nhà chống lũ cộng đồng được xây bằng bê tông cốt thép, kết cấu kiểu nhà sàn, có trụ bê tông nâng sàn cao vượt lũ và mái cũng được đổ bê tông để chống bão. Nhà có sức chứa từ 200- 250 người, có hệ thống trữ nước, nhà vệ sinh và khu vực nấu ăn. Điểm đặc biệt của ngôi nhà là ngoài chức năng phòng tránh bão lũ thì bình thường có thể sử dụng để sinh hoạt cộng đồng. Đây là nhà chống bão, lũ cộng đồng có quy mô lớn đầu tiên tại tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình giọng chắc nịch, những ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lũ được xem là những điểm sơ tán tập trung quy mô nhỏ, đảm bảo an toàn cho người dân trong lúc nguy cấp.
“Rút kinh nghiệm trận lũ lịch sử năm ngoái thì năm nay bà con đã rất cảnh giác, đưa tài sản lên cao hết, chuẩn bị khi lũ lên cao thì sẽ đến nhà cộng đồng để tránh lũ. Những nhà có người già, trẻ em trong phương án phải di dời trước khi lũ đến. Nhà cộng đồng tránh lũ đã phát huy được tác dụng, sẵn sàng mở cửa đón bà con đến tránh trú khi nước lũ dâng cao”, ông Hoang cho hay.
Tỉnh Quảng Bình là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều bản làng nhanh chóng bị cô lập khi mưa lũ về. Nước lũ về nhanh, rút chậm gây khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống của bà con. Hiện nay, mô hình nhà chống lũ cộng đồng, nhà phao tránh lũ kết hợp phương án 4 tại chỗ đã phát huy được hiệu quả, bà con vơi đi nỗi lo chạy lũ.
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, trong năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã huy động được nhiều nguồn đóng góp để hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà chống lũ, giúp bà con tránh lũ an toàn.
“Công tác kêu gọi hỗ trợ có 2 nội dung đó là cứu trợ khẩn cấp khi mới xảy ra lũ lụt, sạt lở sau đó là hỗ trợ lâu dài, hỗ trợ các địa phương từ các nguồn kêu gọi, vận động. Huy động các nguồn lực có được hỗ trợ xây dựng các nhà chống lũ cộng đồng. MTTQ tỉnh còn hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bị ảnh hưởng không chỉ do lũ lụt mà còn có những vùng bị sạt lở, trong đó có cả sinh kế lâu dài”, ông Minh chia sẻ./.