Xóm nhà lá “lạc” giữa Cồn Cưỡi ven sông Gianh
VOV.VN - Hơn 5 năm qua, xóm nhà lá của 17 hộ dân vạn đò chơi vơi giữa bãi bồi Cồn Cưỡi. Cuộc sống trên đò bấp bênh, nay đây mai đó đầy nguy hiểm khiến họ phải tìm cách lên bờ, tìm nơi sống an toàn hơn. Chừng ấy thời gian, họ mang tiếng sống xâm lấn bất hợp pháp trên chính quê hương.
Chị Hoàng Thị Huề, một cư dân vạn đò dựng nhà tạm tại Cồn Cưỡi cho biết, dù có hộ khẩu tại xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, nhưng chị và những hộ vạn đò khác không có một mảnh đất để an cư. Vậy nên quanh năm, họ phải lênh đênh theo dòng nước, lấy ghe đò làm nhà, sống cảnh tạm bợ, khó khăn trăm bề. Bây giờ cá tôm cũng ngày một hiếm, việc kiếm đủ miếng ăn cho gia đình càng thêm khó khăn. Lênh đênh theo con nước, đêm ngủ ở trên những con đò nhỏ tròng trành nguy hiểm. Năm ngoái, đứa con trai duy nhất của vợ chồng chị Huề nửa đêm nằm ngủ không may rơi từ thuyền xuống sông tử vong. Giọng của chị Hoàng Thị Huề buồn bã, cũng vì những đứa con của mình gặp nguy hiểm nên gia đình mới lên bờ dựng lều ở bãi bồi Cồn Cưỡi: “Chúng tôi cũng đánh liều lên đây ở tạm chứ không biết làm sao nữa. Dựng cái lều để cho con cái sinh hoạt, đi lại tiện hơn chứ ở trên đò phức tạp lắm. Nếu mai mốt người ta không cho ở thì đành phải trở lại đò ở chứ không biết ở đâu, bố mẹ 2 bên gia đình đều nghèo cả, đất đai không có".
Ở Cồn Cưỡi có khu đất bỏ hoang, người dân vạn chài rủ nhau cùng về dựng những lán tạm để sống. Lán chừng 30 mét vuông, được dựng từ khung gỗ mái che tôn, bao quanh nhà là ván gỗ hoặc bạt chắn nắng, che mưa, quanh năm thấm dột, gió lùa. Sống trên bờ nhưng người dân nơi đây vẫn luôn thấp thỏm nỗi lo mưa lũ vì ở cạnh sông Gianh. Về Cồn Cưỡi vào mùa mưa mới thấu hiểu được cảnh vợ bế con, chồng bê tài sản chạy lũ. Nước lũ rút, bà con quay trở về, mọi thứ trống trơn, có căn lều cũng bị lũ cuốn đi.
Chị Đinh Thị Hoa, ở xóm nhà lá trên đất thuộc xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn cho biết, dù sống quen trên sông nước nhưng có con nhỏ mà sống vậy quá nhiều bất tiện và nguy hiểm. Rồi khi con đến tuổi đi học không thể ở mãi trên thuyền được. Chị Đinh Thị Hoa ngậm ngùi, ở xóm nhà lá, có khoảng 5 hộ gia đình bị mất con khi cả nhà sống trên đò: “Ở trên đò, làm nghề sông nước, đêm đi đánh cá, sáng ra chợ bán kiếm 100- 200 ngàn sinh hoạt trong gia đình. Đò nhỏ, con cái sợ bị rơi xuống sông. Mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho miếng đất nhỏ dựng nhà chứ ở trên đò khổ lắm".
17 hộ dân đang sống trên thuyền, đò đã lên dựng nhà ở tạm tại vùng đất thuộc đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, đất này người dân địa phương vẫn đang bỏ hoang, chưa canh tác gì. Những hộ dân này có hộ khẩu thuộc xã Quảng Tiên, con cái được tạo điều kiện đến trường.
Ông Hoàng Văn Ngừng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn cho biết, 17 hộ dân sống tạm trên bãi bồi Cồn Cưỡi chưa có điện, nước sinh hoạt, cuộc sống quá nhiều khó khăn: “Họ là những người dân sống ở đò, ban đêm lên cắm cọc dựng lều ở vùng đất đó, chính quyền đã có qua lập biên bản nhưng không đẩy đuổi họ vì giờ đẩy họ đi thì không biết đi đến nơi nào. Cho nên xã đã xin chủ trương và đang làm chủ trương quy hoạch đất ở ở vùng đó, theo luật đất đai thì không thể cấp cho được nên phải quy hoạch vùng đó để cho người dân đấu thầu".
Khu vực các hộ dân vạn đò sống tại Cồn Cưỡi rộng hơn 2 héc ta. Sắp tới, xã Quảng Tiên sẽ tiếp tục họp dân khu vực Cồn Cưỡi để vận động bà con trả đất cho địa phương làm công tác quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng rồi đấu giá, tạo điều kiện cho bà con vạn đò sớm có đất ở.
Ông Trần Thanh Cương, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đợt vừa rồi UBND thị xã Ba Đồn giao lại cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất vì một thời gian xã làm phát triển quỹ đất nhưng kéo dài đến 2 năm nhưng tiến độ thực hiện bị chậm. Vừa giao lại cho Ban Quản lý dự án thì Ban Quản lý dự án đang triển khai công tác quy hoạch. Việc này theo kế hoạch sẽ làm đến năm 2022, hiện nay đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư".
Cuộc sống của người dân vạn đò vô vàn khó khăn, sống tạm bợ qua ngày. Nếu địa phương quy hoạch và tổ chức đấu giá thì những hộ quá khó khăn này không thể mua nổi mảnh đất để xây nhà ở ổn định lâu dài. Thiết nghĩ, địa phương nên có những chính sách hỗ trợ người dân vạn đò được vay vốn, tạo sinh kế, sớm ổn định cuộc sống./.