Xử phạt nghiêm người bỏ đầu mẩu, tàn thuốc lá sai quy định
VOV.VN - Trưởng công an phường/xã có thẩm quyền xử phạt nghiêm người bỏ đầu mẩu, tàn thuốc lá... xả chất thải sai quy định.
Để thay thế cho Nghị định 55 năm 2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45 (45/2022/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Nghị định quy định mức xử phạt mới với hành vi tiểu tiện, đại tiện nơi công cộng, hành vi vứt rác thải không đúng quy định cùng nhiều hành vi khác. Nghị định 45 sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 25/8/2022. Từ nay cho đến khi Nghị định có hiệu lực, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ áp dụng theo Nghị định 155 năm 2021.
Theo đó, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng.
Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Riêng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hay hệ thống thoát nước mặt. Hành vi đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố, thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Theo đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), so với quy định cũ, mức xử phạt tiền với các hành vi vứt rác, tiểu bậy đã giảm nhiều lần. Lý giải về việc giảm mạnh mức xử phạt với các hành vi trên, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, quy định cũ muốn đưa mức phạt cao để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn như mức phạt cao chưa phù hợp với một bộ phận người dân. Mức tiền xử phạt sẽ tương ứng với thẩm quyền xử phạt, kéo theo trình tự, thủ tục xử phạt phức tạp. Ví dụ, đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố thẩm quyền xử phạt phải từ trưởng công an cấp huyện hoặc chủ tịch UBND cấp huyện trở lên. Điều đó không khả thi khi triển khai trong thực tế.
Với mức xử phạt mới, thẩm quyền xử phạt cũng sẽ thay đổi. Với hành vi tiểu tiện, đại tiện, vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng quy định, các chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ đều có thể xử phạt tại chỗ.
Với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trạm trưởng, đội trưởng của chiến sĩ công an đang thi hành công vụ có thể xử phạt tại chỗ.
Riêng hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển, thẩm quyền xử phạt thuộc về trưởng công an xã, phường.
Cùng với việc xử phạt trực tiếp, Nghị định cũng cho phép phạt nguội với các hành vi trên. Thay vì bắt quả tang để xử phạt, hệ thống camera sẽ ghi lại hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định để xử phạt nguội. Đại diện Tổng cục Môi trường cho rằng, việc cho phép xử phạt nguội giống như trong lĩnh vực giao thông sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, tăng tính răn đe, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng./.