Y tế cơ sở ở Yên Bái trưởng thành thêm sau dịch
VOV.VN - Đối mặt với dịch bệnh COVID -19 chưa từng có tiền lệ, căng mình trải qua biết bao khó khăn, thử thách, cùng với toàn ngành, hệ thống y tế cơ sở đã từng bước học hỏi, làm quen, tích lũy kinh nghiệm để chiến đấu và kiểm soát dịch bệnh.
Tại tỉnh miền núi Yên Bái, dù lực lượng còn mỏng, số ca mắc COVID-19 gia tăng, nhưng hệ thống y tế tuyến cơ sở của địa phương này vẫn đáp ứng tốt yêu cầu phòng chống dịch. Có thể thấy, trong dịch bệnh, y tế cơ sở thực sự đã có những bước trưởng thành quan trọng.
Hơn 20 năm công tác ở Trạm Y tế xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn (nay là Thị xã Nghĩa Lộ), chưa bao giờ Trạm trưởng Đoàn Thị Lan Anh thấy loại dịch bệnh nào nguy hiểm và sức càn quét lớn như dịch bệnh COVID-19. Xã Phúc Sơn có hơn 7.000 dân mà có tới hơn 500 người mắc bệnh.
Trạm Y tế xã chỉ có 6 nhân lực, vừa khám chữa bệnh cho nhân dân theo chức năng vốn có, vừa "gánh" thêm nhiệm vụ chống dịch. Giáp Tết, công việc càng nhiều hơn khi người dân đi làm ăn xa trở về quê. Và khi người người quây quần bên mâm cơm Tất niên, thì các cán bộ y tế vẫn đang cần mẫn lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch, vừa tư vấn thuốc cho các ca dương tính chữa trị tại nhà…
Theo chị Lan Anh, khi dịch bệnh chưa bùng phát công tác tuyên truyền được quan tâm số một; còn khi dịch đến quan trọng và gấp rút hơn là việc xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị. Việc tuyên truyền thì đã quen thuộc và cứ nỗ lực là được; còn các kỹ thuật, phương thức để chiến đấu với dịch COVID-19 hầu như mới hoàn toàn, các anh chị vừa học hỏi, vừa làm, rồi quen dần và đáp ứng tốt công việc theo thời gian.
"Tất cả những vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch chúng tôi đều bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên và tham khảo xem những vùng dịch người ta đã thực hiện rồi thì mình áp dụng vào; thế rồi Trung tâm Y tế thị xã đều có tổ chức tập huấn không chỉ một lần mà nhiều lần từ lấy mẫu, truy vết, các điều trị F0 tại nhà..."- chị Lan Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc Trung Tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, toàn thị xã có hơn 90 cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở. Từ chỗ chưa hiểu về dịch bệnh, đến nay, ai cũng biết lấy mẫu, biết làm xét nghiệm, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân COVID-19... Vậy nên dù số F0 lên đến cả nghìn ca, thị xã có lúc chuyển vùng màu đỏ, nhưng các cơ sở y tế không quá tải…
"Khoảng 90 cán bộ Y tế cơ sở vừa khám chữa bệnh cho bà con nhân dân tại Trạm Y tế, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch. Nói chung là cán bộ Y tế của chúng tôi làm rất tốt"- ông Khương nói .
Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái mới chính thức phát hiện ca mắc COVID-19 cộng đồng đầu tiên vào cuối tháng 11 năm 2021, nhưng đến nay đã ghi nhận trên 12.000 ca. Đặc biệt từ mùng 4 Tết Nhâm Dần trở đi, số ca nhiễm có xu hướng tăng đột biến, có ngày lên tới trên 1.500 ca. Thế nhưng, với sự hoạt động hiệu quả của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở nên đến nay, tỉnh vẫn đang trong tình thế kiểm soát được dịch bệnh.
Theo bác sỹ Hà, hiện 173 Trạm Y tế cơ sở của tỉnh vẫn đang tích cực tăng cường tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tiêm vét, tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại, đảm bảo các đối tượng đã đến lịch tiêm được tiêm đầy đủ, an toàn. Các Trạm Y tế cơ sở cũng chủ động các phương án, dự trữ cơ số thuốc, thiết bị, hóa chất, phương tiện cấp cứu,… để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ chống dịch và công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp ca mắc tăng cao. Đặc biệt là tăng cường quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, hỗ trợ tích cực các trường hợp F0 điều trị tại nhà, nơi lưu trú...
Lý giải về sự trưởng thành của hệ thống y tế cơ sở, bác sỹ Nguyễn Văn Hà cho hay: "Qua 9 đợt cán bộ Y tế Yên Bái tăng cường cho các tỉnh, thành phố với tổng số 188 người, sau khi trở về thì họ có một kiến thức rất tốt trong phòng chống dịch, đặc biệt là công tác điều trị. Các cán bộ này cũng chính là nòng cốt để đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho tất cả các cán bộ Y tế khác để họ có một kiến thức rất vững vàng, tự tin để điều trị, phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn rất hiệu quả".
Đối với người dân vùng cao, miền núi, do giao thông cách trở, nên việc di chuyển về trung tâm rất khó khăn. Vì thế, khi cần khám chữa bệnh, Trạm Y tế chính là nơi họ tìm đến đầu tiên để trông cậy vào các y, bác sỹ. Qua dịch bệnh COVID-19 lần này, lực lượng y tế ở cơ sở càng có những bước trưởng thành quan trọng; từ đây, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sẽ được nâng cao một bước, đáp ứng mong đợi của đồng bào vùng cao xa xôi./.