"Tình hình dịch hiện nay chưa vượt quá khả năng điều trị"
VOV.VN - Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, so với các đợt dịch trước, dịch lần này có số lượng bệnh nhân COVID-19 lớn, diễn biến bệnh nhanh gây khó khăn cho hệ thống điều trị. Nhưng đến nay Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình.
Các chuyên gia nhận định so với các vụ dịch trước, diễn biến của bệnh nhân COVID-19 lần này tại Việt Nam có nhiều điểm khác biệt và đang gây khó khăn cho hệ thống y tế.
Chia sẻ về sự khác biệt trong đợt dịch lần này, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, điểm khác biệt đầu tiên là số lượng bệnh nhân COVID-19 rất lớn.
>>“Dịch sẽ lắng trong tháng 6, nhưng mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng”
"Số lượng bệnh nhân quá lớn rõ ràng sẽ tạo ra sức ép lớn với hệ thống điều trị của chúng ta. Số lượng bệnh nhân lớn cũng dẫn đến số bệnh nhân có diễn biến nặng tăng cao" - BS Cấp nói.
Khác biệt thứ hai ở vụ dịch lần này là sự xuất hiện của biến chủng virus B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ. Có vẻ các bệnh nhân nhiễm biến chủng này xuất hiện diễn biến lâm sàng nhanh hơn so với những biến chủng trước đó của SARS-CoV-2.
Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân có phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn. Tình trạng này yêu cầu các y bác sĩ phải can thiệp nhiều biện pháp kỹ thuật hơn như lọc máu, ECMO. Đây cũng chính là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức cấp cứu trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo BS Cấp, do số lượng bệnh nhân lớn nên số bệnh nhân nặng cũng lớn. Riêng với tỉnh Bắc Ninh, các y bác sĩ chú trọng đến việc nâng cao năng lực điều trị của tuyến ban đầu. Khi tuyến điều trị ban đầu, tuyến điều trị dã chiến tốt, tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch thấp đi, giảm gánh nặng đối với khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện tỉnh, cũng như giảm số bệnh nhân chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Tại Bắc Ninh, chúng tôi xây dựng chiến lược để đảm bảo mức độ bệnh nhân là 3000 bệnh nhân vào đồng loạt và các đơn vị dự kiến sẽ triển khai thì cũng đều đảm bảo các yếu tố về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật và con người. Tại Bắc Giang, các đồng nghiệp cũng hết sức nỗ lực mở rộng đơn vị dã chiến cũng như đơn vị Hồi sức cấp cứu. Với tình hình hiện tại, chưa vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị. Hiện Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình” - BS Cấp cho biết.
Theo thống kê của Tiểu ban Điều trị, Việt Nam hiện có tổng cộng 139 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng phải thở oxy, 29 trường hợp thở máy không xâm nhập và 25 ca nguy kịch. Trong khi đó, 3.080 bệnh nhân chỉ có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 1.703 người khác chưa có triệu chứng.
BS Cấp cho biết, đa số bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nhẹ trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên sang đến tuần thứ 2, một số bệnh nhân sẽ có diễn biến rất nặng và nếu phát hiện sớm những dấu hiệu diễn biến nặng, xử lý sớm thì tỷ lệ bệnh nhân trở thành rất nặng và nguy kịch sẽ giảm đi và tỷ lệ tử vong cũng sẽ giảm.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, nếu áp dụng chiến lược điều trị bệnh nhân diễn biến nhẹ tại nhà, Việt Nam sẽ gặp phải 2 vấn đề: Thứ nhất là nguy cơ các bệnh nhân được điều trị tại nhà lây nhiễm virus cho người thân trong gia đình rất cao. Đặc biệt, với mô hình gia đình của Việt Nam với từ 3 đến 4 thế hệ chung sống gồm cả người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, việc lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm.
Thứ hai là khi điều trị tại nhà sẽ rất khó để phát hiện ra những thay đổi bệnh lý từ sớm để kiểm soát sớm. Khi đó bệnh rất nặng rồi mới vào viện thì hiệu quả điều trị sẽ thấp hơn.
"Số lượng bệnh nhân vẫn chưa vượt quá khả năng điều trị thì chúng ta ưu tiên chiến lược điều trị tất cả các bệnh nhân tại bệnh viện" - BS Cấp cho biết./.