Tình người giữa đại dương

“Nếu không có các bạn, chúng tôi đã nằm lại dưới đại dương bao la này”, đó là tâm sự của những phi công Mỹ khi được các chiến sĩ Hải quân cứu sống

“Trong ký ức những lần đi biển, tôi không thể nào quên sự kiện cứu sống 3 sĩ quan phi công Mỹ bị tai nạn ở đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Với tôi đó không chỉ là kỷ niệm sâu sắc nhất của đời lính biển, mà còn là niềm vui, niềm tự hào vì mình đã cứu sống những người khách quốc tế đặc biệt giữa đại dương bao la”. Thượng tá Hoàng Văn Thể, nguyên thuyền trưởng tàu HQ11 tâm sự.

Buổi nói chuyện truyền thống tại tàu HQ11 anh hùng

Cứu người là quan trọng nhất

Nhấp ngụm lá vối, Thượng tá Hoàng Văn Thể kể: 11h15’ trưa 10/7/1988 như thường lệ, cán bộ chiến sĩ tàu HQ11 vừa ăn cơm xong, chuẩn bị nghỉ trưa thì bất chợt phát hiện tiếng máy bay gầm rú phía đông đảo Đá Lớn. Chỉ vài phút sau, chiếc máy bay vận tải quân sự vụt tới lắc lư như có ý xin hạ cánh. “Toàn tàu báo động khẩn cấp” - tiếng thuyền trưởng, Đại uý Nguyễn Quang Tạo hô lớn. Một hồi kẻng báo động vang lên từ phòng trực ban. Tất cả về vị trí ở tư thế sẵn sàng.

Lúc này, chiếc máy bay loạng choạng phía bắc đảo Đá Lớn rồi đâm nhào xuống biển cách tàu 1 hải lý. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu chỉ kịp nhìn thấy một luồng sóng trắng xoá, từ đó hiện lên một chiếc phao cao su, trên đó có 3 người. Thuyền phó quân sự, Đại uý Hoàng Văn Thể lệnh cho bộ đội hạ 2 xuồng cứu sinh và trực tiếp chỉ huy một tiểu đội nhanh chóng cơ động về phía máy bay gặp nạn để cứu người.

Giữa sóng to, gió lớn, 2 chiếc xuồng cứu sinh nhỏ xíu như bị nuốt vào lòng biển cứ chồm lên ngụp xuống. Quần áo cán bộ, chiến sĩ ướt nhèm. Khi tiếp cận, những người bị nạn vô cùng hoảng hốt. Xung quanh họ là một màu nước biển vàng chói. Thì ra họ đã kịp giật những chai thuốc phát tín hiệu cấp cứu lúc máy bay vừa chìm. Một phi công đang cầm bộ đàm liên lạc với người của họ. Nêu cao tinh thần cảnh giác, thuyền phó Hoàng Văn Thể đã yêu cầu thu bộ đàm liên lạc và nói bằng tiếng Anh: “Chúng tôi là cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cứu các bạn”. 3 phi công tỏ rõ sự mừng rỡ trên khuôn mặt. Một phi công nữ nói và ra hiệu chị đang có thai ba tháng, xin được cấp cứu.

Chiếc xuồng cứu sinh nhỏ bé lại chồm lên, ngụp xuống trong sóng gió đưa 3 phi công lên tàu HQ11 an toàn. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã dành riêng phòng câu lạc bộ sĩ quan cho 3 phi công. Việc đầu tiên là khám sức khoẻ cho phi công nữ đang mang thai. Biết đứa con trong bụng vẫn an toàn, chị bật khóc. Tên chị là Stein Necker, hai người còn lại là Richard Kamaurer (chỉ huy tổ lái), và nhân viên Michael Rneel.

Ban Chỉ huy tàu và Trung uý máy trưởng Nguyễn Huy Tuấn trực tiếp làm việc với 3 phi công gặp nạn. Qua tiếp xúc được biết, họ là thành viên của đoàn bay CT-39-NALO192 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ. Hôm đó, họ đi làm nhiệm vụ từ Singapore đến căn cứ Hải quân Subic (Philippines) thì gặp thời tiết xấu, máy bay không thể hạ cánh, bèn bay vòng ra biển thì gặp nạn.

Trưa ấy, hơn trăm cán bộ, chiến sĩ toàn tàu HQ11 không ai chợp mắt. Họ mừng vì đã cứu được 3 phi công Mỹ an toàn.

Bút tích của phi công Stein Necker gửi cán bộ, chiến sĩ tàu HQ11

Nhường cơm, sẻ áo với người bị nạn

Vào thời điểm ấy, tàu HQ11 đi làm nhiệm vụ trên biển xa đã 73 ngày. Lương thực, thực phẩm, rau xanh, nước ngọt đã cạn. Giữa biển khơi bao la, nắng và gió, hơn 100 cán bộ chiến sĩ đã phải chắt chiu, chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau xanh, nhưng quyết không để 3 phi công thiếu thốn. Thuyền phó Hoàng Văn Thể đã phát động phong trào tiết kiệm: “mỗi người nhịn tắm 7 ngày, dành nước ngọt cho 3 phi công”. Thấy các bạn không ăn được cơm, Ban Chỉ huy tàu quyết định mở kho lương thực dự trữ lấy mì tôm và sữa hộp đặc cho họ. Vận động cán bộ chiến sĩ nhường thuốc lá cho bạn, còn tất cả anh em hút thuốc rê, thuốc lào. Mọi nơi ăn, nghỉ của bạn được cán bộ chiến sĩ tàu HQ11 chăm sóc chu đáo. Họ đã không còn rụt rè nữa. Có người đã khe khẽ hát, đi lại trên lan can hút thuốc nhả khói khắp tàu…

Sau khi liên lạc với Hoa Kỳ theo đường ngoại giao, sáng 13/7/1988, 3 phi công gặp nạn được tàu của Hải đoàn 128 Hải quân đón về đất liền. Cuộc chia tay có một không hai diễn ra ngay trên boong tàu. Giữa muôn trùng sóng nước, một bên là những vị khách quốc tế gặp nạn, bên ân nhân là những chiến sĩ Hải quân. Ai cũng xúc động chẳng nói nên lời. Những tấm ảnh chụp vội vã làm kỷ niệm như thay lời cảm ơn với các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã cứu họ.

Xúc động xen lẫn niềm vui, phi công Richard Kamaurer (chỉ huy tổ lái) nói: “Xin cảm ơn bộ đội Việt Nam. Cảm ơn các bạn. Nếu không có các bạn, chúng tôi đã nằm lại dưới đại dương bao la này”. Còn chị Stein Necker lại bật khóc. Chị xin mảnh giấy, mượn bút viết vội lá thư gửi lại tàu, bức thư có đoạn: “Cảm ơn các bạn đã cứu chúng tôi từ lòng biển cả. Lòng mến khách của các bạn thật tuyệt vời. Cảm ơn các bạn rất nhiều và chắc chắn chúng ta sẽ gặp lại nhau”.

Bức thư của nữ phi công Mỹ viết vội ngày nào đã thành kỷ vật quý, đặt trong phòng truyền thống của Lữ đoàn 171 Hải quân. Bức thư như nhắc lại một kỷ niệm đẹp về lòng nhân ái của những người lính bộ đội Cụ Hồ. Đứa con trai của nữ phi công Stein Necker sinh ra trên đất Mỹ và được chị đặt tên là HQ11 - tên con tàu với những người lính Hải quân dũng cảm, đầy lòng nhân ái đã cứu mẹ con chị thoát nạn giữa đại dương bao la.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên tàu HQ11

Ngược dòng lịch sử

3 phi công Mỹ được cán bộ, chiến sĩ tàu HQ11, Lữ đoàn 171 Hải quân cứu sống giữa đại dương ngày 10/7/1988 không phải là những quân nhân ngoại quốc đầu tiên được bộ đội Việt Nam cứu giúp. Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn quyết định. Ở Việt Nam, sau khi giành được độc lập, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới. 6 tỉnh biên giới phía Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên được chọn làm căn cứ địa vững chắc gọi chung là chiến khu Việt Bắc. Tại chiến khu này, du kích và bộ đội Việt Minh đã cứu sống một phi công Mỹ tên là Shaw nhảy dù lạc xuống đây. Shaw thuộc đơn vị OSS (tiền thân của Cục tình báo Trung ương CIA). Trong chuyến bay trinh sát, máy bay của Shaw bị quân Nhật bắn rơi, buộc Shaw phải nhảy dù và rơi xuống chiến khu Việt Bắc.

Khi được tin phi công Mỹ bị bắn rơi, Bác Hồ đã chỉ thị cho bộ đội đối xử tử tế với Shaw, đưa Shaw vượt khỏi sự truy lùng gắt gao của quân Nhật và trao trả cho phía đồng minh. Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp ấy, Tướng LC.Chenault đã ra lệnh cho Tập đoàn không quân Mỹ tại Đông Dương gặp Bác và đề nghị bộ đội Việt Minh tiếp cục cứu phi công Mỹ khi bị quân Nhật bắn rơi. Ngược lại không quân Mỹ sẽ giúp bộ đội Việt Minh huấn luyện quân sự.

43 năm sau, những phi công Mỹ lại được người lính Hải quân Việt Nam cứu sống. Chỉ có điều lần này không diễn ra ở núi rừng hiểm trở, mà ở giữa đại dương bao la - nơi Trường Sa muôn trùng sóng nước. Hành động quả cảm của bộ đội Việt Minh cứu phi công năm 1945, lòng nhân ái của cán bộ chiến sĩ tàu HQ11 cứu sống 3 phi công Mỹ giữa biển khơi ngày 10/7/1988, không chỉ thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mà còn làm ngời sáng lên phẩm chất người lính Quân đội nhân dân Việt Nam./.

Mai Thắng

(ghi theo lời kể của Thượng tá Hoàng Văn Thể, nguyên thuyền trưởng tàu HQ11 anh hùng)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên