Tỉnh táo trước các chiêu trò, báo cơ quan chức năng khi bị lừa đảo
VOV.VN - Người thất nghiệp muốn có việc làm, người có thời gian rảnh rỗi muốn kiếm thêm thu nhập. Lợi dụng tâm lý này, không ít đối tượng đã giăng bẫy trên không gian mạng, nhằm lừa đảo người cả tin, chiếm đoạt tài sản của họ. Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng về cảnh báo, xử lý đối tượng thì chính người dân phải tự chủ động, tránh “dính bẫy” được giăng sẵn.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đang diễn biến rất phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Bộ Công an cũng cho biết, đang có 3 nhóm lừa đảo chính, như: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Đối tượng mà bọn lừa đảo nhắm vào thường là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng với các hình thức lừa đảo rất đa dạng.
Chính sự đa dạng của các hình thức lừa đảo dẫn đến rất khó khăn trong việc nhận diện đầy đủ các thủ đoạn lừa đảo nên dù hết sức cảnh giác, nhưng các nạn nhân vẫn “dính bẫy”.
Điểm chung của những vụ lừa đảo này là dụ dỗ người tham gia với “mồi câu” là không cần trình độ tay nghề, không cần bằng cấp, chỉ cần làm tăng doanh số bán hàng, mời người mua hàng là sẽ có thu nhập hậu hĩnh.
Kẻ bất lương thường dùng những thương hiệu tên tuổi mời người chơi tham gia gia tăng doanh số bán hàng, bọn chúng cũng không ngần ngại “làm tăng tài khoản” của người tham gia, đưa người chơi vào những hội nhóm mà ở đó người ta khoe đã tham gia lâu, có mức thu nhập “khủng” làm người chơi tin tưởng là việc bán hàng có thật, thu nhập từ bán hàng có thật, mất cảnh giác, thậm chí thấy “ham” vì thu nhập cao, từ đó dễ dàng bỏ ra những đồng tiền vất vả có được, thậm chí vay mượn để tham gia mạng lưới ảo này.
Cuối cùng, những giọt nước mắt muộn màng rơi xuống khi “đối tác” đột nhiên biến mất, toàn bộ tin nhắn, dữ liệu cũng bị mất sạch, các đối tượng lừa đảo trở thành “chim trời cá nước” bởi cái tên là ảo, ảnh đại diện cũng ảo, thành viên hội nhóm cũng ảo nốt, chỉ có những đồng tiền đã chuyển khoản bị mất là thật.
Rõ ràng là, mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng còn rất nhiều người dễ dàng dính vào bẫy của bọn lừa đảo, với số tiền bị mất rất lớn.
Bộ Công an khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo dùng nhiều hình thức lừa đảo rất đa dạng mà cơ quan chức năng không thể cảnh báo hết, cảnh bảo rồi sẽ nảy sinh ra hình thức lừa đảo mới tinh vi hơn và khó xử lý hơn.
Các phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, tập trung đánh vào tâm lý. Hầu hết, các đối tượng lừa đảo đã nắm được một phần thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng như các "chiêu" về tâm lý như tạo sự tin tưởng, lợi dụng lòng tham hoặc sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo.
Khi rơi vào tình huống bị các đối tượng giả mạo lừa đảo qua mạng, thường các nạn nhân rất khó tỉnh táo để tránh khỏi việc bị rơi vào bẫy. Vì vậy, biện pháp tốt nhất đến hiện tại vẫn là “phòng” còn hơn "chống".
Bản thân mỗi người dân không được tin vào câu chuyện “việc nhẹ lương cao”, trúng thưởng; không được dễ dàng chấp nhận chuyển tiền cho đối tượng lạ. Mỗi người cần tạo cho mình thói quen là luôn xác minh lại các thông tin trúng thưởng, việc làm, cảnh giác trước các lời mời, quảng cáo tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng trên các trang mạng xã hội.
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác, có thể hỏi người thân, bạn bè, thậm chí có thể gọi điện cho doanh nghiệp đó để hỏi trực tiếp.
Hãy nhớ rằng “miếng phomat chỉ có ở trong bẫy chuột”, không tự nhiên tiền ở đâu mang đến, kể cả quà tặng, trúng thưởng, việc nhẹ lương cao. Hãy trang bị cho mình một bộ lọc thông tin tốt, hãy tỉnh táo trước các chiêu trò, đừng để những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình vào túi kẻ gian, tạo điều kiện cho bọn chúng sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện bị lừa đảo, cần tố cáo đến các cơ quan chức năng. Đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội nhưng người bị lừa có tâm lý e ngại, không tố cáo vì giá trị không quá lớn, có suy nghĩ khó tìm bắt tội phạm vì không có manh mối, không muốn mọi người nghĩ là mình bị lừa do…tham.
Đó là một trong những nguyên nhân khiến các vụ lừa đảo qua mạng khó bị xử lý, không có căn cứ xử lý do không có tố giác tội phạm, cơ quan chức năng không đưa ra được giải pháp hạn chế, điều này cũng tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo ngày càng lộng hành.
Do đó, khi phát hiện, nghi vấn bị các đối tượng mời gọi, hướng dẫn tham gia làm nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng, người dân hãy trình báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để vụ việc sớm được giải quyết.
Theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động trả phí cho việc mở tài khoản để trả lương là trái quy định của pháp luật.