Tình trạng dễ dãi trong sử dụng Tiếng Việt
VOV.VN - Trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta vô tình làm "nhem nhuốc" tiếng mẹ đẻ do tình trạng sử dụng thiếu chọn lọc, tùy tiện.
Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, cha ông ta đã không ngừng xây dựng, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Việc giữ gìn và làm phong phú thêm giá trị của tiếng Việt là trách nhiệm không của riêng ai. Vậy mà, trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta vô tình làm "nhem nhuốc" tiếng mẹ đẻ do tình trạng sử dụng thiếu chọn lọc, tùy tiện.
Theo thống kê, trong 5 năm trở lại đây có khoảng 4.000-5.000 từ tiếng Anh mới du nhập vào vốn từ tiếng Việt. Tuy nhiên, điều dễ thấy là tình trạng lai tạp ngôn ngữ khi sử dụng tiếng Anh vô cùng nhanh chóng. Trong giao tiếp hàng ngày, nhiều người đã nói lẫn lộn giữ tiếng Việt và tiếng Anh, chẳng hạn như "trang điểm" được nói, viết là "make up", "mix" được thay thế cho từ kết hợp quần áo, trang phục, từ "bá đạo", "tuyệt vời" lại thường dùng để ngợi khen thay vì nói "tốt"... Và còn rất nhiều từ ngữ khác được sử dụng "phá cách", cứ tưởng là "chuẩn" của thời đại nhưng lại lệch chuẩn so với cách nói thông thường.
Qua nhiều lần cải cách giáo dục, cơ sở đầu tiên của việc nói và viết vẫn chưa có một quy chuẩn cụ thể. Chẳng hạn như bảng chữ cái hiện hành ở sách giáo khoa đầu cấp lại không có danh sách tên các con chữ, dẫn đến việc phát âm lộn xộn. Là người có nhiều năm nghiên cứu về ngôn ngữ, Giáo sư Vũ Đức Nghiệu, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Theo kiểm đếm của tôi t có 4 chữ hoàn toàn đọc theo âm cho chữ đó biểu hiện chứ không đọc theo tên chữ. Đó là chữ "G" với chữ "Gh", chữ L, M, N và chữ R. Chữ "G" một trăm phần trăm đều đọc là "Gờ" (Gh), còn các chữ kia thì họa hiếm một vài phần trăm thì đọc theo tên chữ. Như vậy có vấn đề lệch pha giữa tên của con chữ và tên của âm do chữ biểu hiện.
Ngoài việc phát âm lộn xộn tiếng Việt và tiếng nước ngoài hay Việt hóa tiếng Anh tùy tiện còn có tình trạng nói và viết ngược câu, dẫn đến câu tối nghĩa, mơ hồ, dấu chấm, dấu phẩy không đúng chỗ. Giáo sư Vũ Đức Nghiệu cho biết thêm: ”Kỳ cục nhất là cả nước chúng ta nói tiếng ta sang tây rất sang trọng, hầu như 100% đều nói là "Việt Nam đồng", trong khi lại nói "Đô la Mỹ", "Đô la Úc", "Yên Nhật". Trong bao nhiêu năm này, mới chỉ có một lần khi tôi gặp một cán bộ kiểm toán tỏ ra bức xúc: "Tôi không hiểu tại sao họ nói thế". Bây giờ tất cả chúng ta đều nói là "Việt Nam đồng" do người ta viết tắt theo kiểu tiếng Anh thì ta cứ vậy đọc. Trong khi đó lại đọc theo cách khác rất kì cục.
Đặc biệt, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những bất cập và lệch lạc của việc dùng tiếng Việt thể hiện ở cách viết, cách nói, cách truyền đạt chưa đúng, chưa chuẩn. Cụ thể là có những hiện tượng dùng từ, đặt câu hoặc không đúng với quy tắc ngữ pháp tiếng Việt hoặc lai căng tiếng nước ngoài. Không ít biên tập viên trên sóng phát âm chưa tròn vành rõ chữ, phiên âm tiếng nước ngoài trên báo chưa thống nhất. Sự thâm nhập mạnh mẽ của tiếng Anh ở hầu hết các lĩnh vực truyền thông đã làm thay đổi khá lớn cách diễn đạt trong sáng vốn có của tiếng Việt.
Tình trạng dùng từ dễ dãi xảy ra phổ biến, ví dụ như từ "Very good" được sử dụng đến mức xa xỉ trong những phát ngôn ngợi khen xuất hiện trên một số chương trình truyền thông. Đã có cách nói “từ (đâu) đến” nay nhiều người lại ưa dùng “đến từ (đâu)”; đã có “ đề nghị xử lí Y”nay lại có “Y bị đề nghị xử lí”- là cách nói ở thể bị động đang xuất hiện mạnh mẽ trên báo chí gần đây. Ông Đặng Trấn Phòng, người thường xuyên theo dõi các chương trình phát thanh và truyền hình đưa ra một số ví dụ cụ thể: "Tựa đề bài hát", "tựa đề bài thơ", tựa đề" là cái gì? Tôi không chuyên về ngành ngôn ngữ học nhưng khi tôi tra từ điển tiếng Việt thì không thấy có chữ "tựa đề". Trong khi đó sao chúng ta lại rất sợ nói từ "tên": "tên bài hát" hay "nhan đề bài hát", "đầu đề bài hát". Khi chỉ dẫn người ta làm cái gì lại nói "Làm theo cú pháp..." Cú pháp tiếng Việt là cách đặt câu, sao không nói là "Làm theo cấu trúc này..." VOV tổ chức hội thảo về Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt
Nói nhiều lần thành thói quen và quen rồi sẽ khó sửa- quy luật ấy dường như đã thấm vào ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của người Việt và cả ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lý giải những hiện tượng trên, Giáo sư Đinh Văn Đức, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Hiến pháp 2013 đã công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia nhưng chưa bao giờ lịch sử thừa nhận chữ Quốc ngữ là văn tự quốc gia. Chưa thừa nhận văn tự quốc gia thì không thể làm luật, trong đó có luật về chính tả. Để giải quyết vấn đề này triệt để thì phải có luật về văn tự. Trong luật ngôn ngữ có luật về văn tự, trong văn tự mới bắt đầu giải quyết chính tả từng phần. Muốn phiên âm tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thì việc đầu tiên chúng ta phải luật hóa, chứ nếu không thì không ai chịu ai”.
Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tạo điều kiện cho tiếng Việt phát triển, làm công cụ của tư duy, phương tiện của giao tiếp, đáp ứng nhu cầu diễn đạt đa dạng của đời sống trong thời hội nhập quốc tế chính là giữ gìn bản sắc và sức mạnh văn hóa của dân tộc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay../.