Tội ác da cam/dioxin: Công lý phải được thực thi
VOV.VN -Nỗi đau da cam/dioxin kéo dài đang thôi thúc lương tri, công lý cần đấu tranh giành lấy công bằng cho các nạn nhân.
Ước mơ giản dị về một mái ấm với những đứa con khỏe mạnh, bữa cơm ấm cúng tràn ngập tiếng cười con trẻ là điều rất giản dị với bất kể ai, vậy mà, đối với ông Đỗ Đức Địu (ở thôn Võ Ninh, xã Hà Thiệp, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) lại khó khăn bội phần.
15 lần thấp thỏm, chờ đợi đón những đứa con chào đời thì đến 12 lần, ông phải tự tay chôn cất những đứa con thơ dại không trọn hình hài của mình.
3 người con còn lại thì từng ngày vật lộn với nỗi đau dị tật dai dẳng. Những người khác đã vui tuổi già bên con cháu, thì nay ở độ tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông Địu vẫn luôn gánh nặng lo tiền bạc, thuốc thang và chăm sóc những đứa con tật nguyền.
Cha con ông Địu bên 12 ngôi mộ các con (Ảnh: Lao động) |
Nhiều lúc các con lên cơn co giật, nằm la hét, đôi vợ chồng già lại phải thức trắng đêm. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn, vì cái nghèo quanh năm đeo bám.
Ông Địu tâm sự, cho đến sau khi đứa con thứ 12 ra đi, ông mới sửng sốt khi biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Tội ác mà quân xâm lược gieo rắc trong chiến tranh năm xưa thật quá nghiệt ngã với gia đình ông.
Gia đình ông Đỗ Đức Địu chỉ là một trong gần 5 triệu người bị phơi nhiễm chất độc màu da cam/dioxin ở Việt Nam, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có những gia đình có các con cháu trong nhiều thế hệ bị ảnh hưởng. Di chứng của chất độc này ảnh hưởng cả ở những thế hệ thứ 2 - 3 của nạn nhân và trở thành gánh nặng cho xã hội.
Chị Nguyễn Thị Hiền - bảo mẫu nhà T2 tại Làng Hữu nghị Việt Nam cho biết: Gần chục năm gắn bó với nghề chăm trẻ đặc biệt, được chứng kiến nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin chân tay co quắp, không tự chủ trong hành động, lúc khóc, lúc cười khiến chị lúc nào cũng nhói lòng.
Chị Hiền chia sẻ, việc dạy các cháu cũng khó khăn hơn, hàng ngày chỉ dạy cho các cháu biết đếm, biết viết, biết đọc những chữ đơn giản nhất, vậy mà có cháu, 3 tháng mới nhớ nổi 1 chữ cái, rồi sau vài ngày lại quên. Nếu không kiên trì, sẽ không làm được công việc đặc biệt này.
Chất độc da cam/dioxinn không chỉ phá hủy môi trường đất, nước, mà còn gây ung thư và dị tật bẩm sinh ở người trong nhiều thế hệ, khiến đời sống của những nạn nhân rơi vào cảnh khó khăn cùng cực.
Đây là tội ác cần bị lên án mạnh mẽ vì sự công bằng cho các nạn nhân da cam/dioxin.
Theo Luật sư Lê Đức Tiết - Phó Văn phòng Luật sư liên lạc Luật sư Việt Nam với Mỹ cho biết: Từ năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam gửi đơn khởi kiện 37 công ty hoá chất của Mỹ tại bang New York theo luật nước Mỹ.
Vụ kiện phức tạp này đã bị Toà án Tối cao Mỹ bác yêu cầu xét xử vào năm 2009, vì cho rằng không đủ cơ sở pháp lý xét xử. Tuy nhiên, Luật sư Lê Đức Tiết khẳng định: Dù bị bác đơn kiện, nhưng việc đấu tranh sẽ không dừng, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ đến khi công lý được thực thi, nạn nhân da cam được đền bù xứng đáng.
Đã hơn 40 năm kể từ ngày đầu tiên chất độc da cam/dioxin bị rải xuống Việt Nam, nhưng hậu quả để lại tới ngày hôm nay vẫn chưa khắc phục xong. Chưa khi nào, công lý của trái tim lại lên tiếng mạnh mẽ đến thế. Bởi tội ác đã rất rõ ràng, nhưng công lý vẫn chưa được thực thi, khiến nỗi đau da cam ngày một kéo dài./.