“Tôi tiếc vì đã tham gia chiến tranh”
VOV.VN - Ký ức của Hạ sĩ Pierre Bonny - một lính dù Pháp từng tham chiến ở Điện Biên Phủ
“Việt Nam đã chiến thắng vì quân đội và cả dân tộc các bạn xứng đáng được như thế. Và tôi hối tiếc vì đã tham gia cuộc chiến 60 năm trước”. Nghe những lời chia sẻ chân thành như thế, ít ai có thể nghĩ rằng đó lại là ký ức của một lính dù Pháp từng bị quân Việt minh bắt giữ làm tù binh tại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Ông là hạ sỹ Pierre Bonny thuộc tiểu đội 4 thuộc trung đoàn 2/1 lính dù của quân đội Pháp.
Ông Pierre Bonny giờ đã 80 tuổi |
“Tôi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ vào ngày 3/4/1954, và tiếp xúc ngay lập tức với chiến trận. Chiếc máy bay chở chúng tôi phải vòng tránh liên tục trước trận địa pháo và súng phòng không của quân Việt minh. Khi đó là ban đêm và từ trên cao nhìn xuống trận địa các giao thông hào, các ụ pháo đỏ lử, cảm giác của tôi lúc đó là như nhìn thấy vô vàn các bó hoa nhiều màu sắc. Phải thừa nhận rằng đó là một cảm giác vô cùng đặc biệt. Chúng tôi tiếp đất đúng ở tâm điểm trận địa khi hai bên đang nã súng khốc liệt vào nhau. Đêm đầu tiên của tôi ở Điện Biên Phủ thực sự vô cùng khắc nghiệt, cái chết kề cận bên mình. Trong đêm tối, tôi đã rất khó khăn khi tìm đồng đội của mình bởi họ cũng như tôi, bị trận chiến phân tán. Phải đến sáng hôm sau, chúng tôi mới tổ chức lại được đội ngũ và chính thức bước vào trận chiến”.
60 năm đã trôi qua nhưng Hạ sỹ Pierre Bonny vẫn nhớ như in những ký ức về đêm đầu tiên nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Khi đó ông mới 19 tuổi, thuộc tiểu đội 4 trung đoàn II/1 lính dù, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tướng Bigeard, có nhiệm vụ đánh chiếm lại đồi A1, ở vào giai đoạn quân Pháp cận kề thất bại.
Đến nay, nhìn nhận lại quyết định của bộ chỉ huy Pháp cho lính dù vào cuộc, Hạ sỹ Pierre Bonny nhận định đó là việc Pháp buộc phải làm, nhưng cũng chỉ có tác dụng lùi lại một chút thời điểm thất bại mà thôi.
“Khi cuộc chiến diễn ra, diễn ra rất nhanh mà các máy bay của Pháp không thể hạ cánh vì ngay lập tức họ sẽ bị Việt Minh tấn công và triệt hạ ngay. Nên cách duy nhất với phía Pháp là cho lính dù vào cuộc, từng người xuống một, nhảy dù trực tiếp xuống trận địa. Dĩ nhiên, với chúng tôi, đó là con đường một chiều, chỉ có xuống, không thể quay ngược lên. Nhưng dù thế, tôi vẫn cho rằng có một tính toán sai lầm về chiến lược. Kết cục thì quyết định đó chẳng mang được lợi ích gì cho quân Pháp, chỉ lùi lại thời điểm thất bại mà thôi”.
Ông Pierre Bonny thời trẻ |
Và ngày 7/5/1954, Hạ sỹ Pierre Bonny nằm trong số 12.000 tù binh Pháp bị quân đội nhân dân Việt Nam bắt giữ. Tác giả cuốn “Điện Biên Phủ” Ivan Cadeau đã dẫn lời Hạ sỹ Bonny về thời khắc đó: “Tôi vẫn kịp xem thời gian trước khi buông vũ khí và tháo đồng hồ. Lúc đó là 12h ngày 7/5. Trên đường bị giải đến đồi A1, tôi nhìn thấy rất nhiều xác chết, cả quân Pháp lẫn Việt Nam, có xác chết còn nguyên vẹn, có cái rách nát, có xác chết mới từ đêm hôm trước, có xác chết đã phân hủy… Người bộ đội Việt Nam dẫn giải tôi biết rõ hơn cả tôi lịch sử của tiểu đoàn lính dù, tên của tất cả các sỹ quan. Rõ ràng điều đó cho thấy, quân đội nhân dân Việt Nam có những thông tin chi tiết và đầy đủ đến mức nào”.
Đến tháng 9/1954, ông được trả tự do và về Pháp, gây dựng một cuộc sống dân sự. Khác với một số cựu tù binh vẫn còn giữ hận thù, Hạ sỹ Pierre Bonny nhìn lại những ngày bị bắt giữ với cái nhìn khách quan: “Tôi không giữ thái độ thù địch vì tôi hiểu không phải do Việt minh muốn làm chúng tôi phải chịu đựng thế. Việt Nam lúc đó là một nước nghèo, chủ yếu làm nông, họ khó khăn trong việc nuôi chính quân của họ chứ chưa nói thêm 12.000 miệng ăn của tù binh Điện Biên Phủ. Và dĩ nhiên, phải có thời gian để sắp xếp. Trong thời gian bị bắt giữ làm tù binh, tôi chưa bao giờ bị ngược đãi. Tôi biết rõ Việt minh không làm hại đến chúng tôi, chỉ là tình trạng chung khi đó là thiếu thốn về lương thực và chăm sóc y tế”.
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã tìm đến Pierre Bonny những năm sau chiến tranh để ghi lại những ký ức sống về cuộc chiến. Trong cuốn “Điện Biên Phủ- Tiếng nói của những người còn sống sót”, chương về “Đối thủ”, tác giả Pierre Journoud trích lời hạ sỹ Bonny, rằng: “Tôi dành sự đánh giá cao cho bộ đội Việt Nam, từ những người lính thường trực đến những công binh”.
Khi tôi hỏi “ông đã nghĩ gì vào thời điểm biết Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ?”, ông Pierre Bonny cho biết: “Tôi chỉ nghĩ rằng Việt minh xứng đáng chiến thắng. Họ đã làm mọi điều để chiến thắng. Họ đặc biệt dũng cảm, đặc biệt kiên cường. Nhân dân Việt Nam đã thắng liên tiếp hai cuộc chiến tranh, trước người Pháp và người Mỹ. Họ đã thắng với những phương tiện chiến tranh khiêm tốn, nếu không muốn nói là yếu. Thế nên, yếu tố làm nên chiến thắng của họ chắc chắn phải là lòng dũng cảm, sức chịu đựng, sự quật cường”.
“Về phía Pháp, các tư lệnh chỉ huy đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, đó là đánh giá sai khả năng tiếp viện của các máy bay. Các máy bay Pháp đã buộc phải hạ cánh rất sớm vì bị pháo phòng không Việt minh vây ráp nên việc tiếp viện không thể kéo dài, quân Pháp trong các cứ điểm gặp quá nhiều khó khăn. Một bên là sự dũng cảm của quân Việt minh, một bên là sai lầm trong chỉ huy của các tướng lĩnh, thế nên Việt minh chiến thắng là xứng đáng và tất yếu. Và đây là một cuộc chiến của toàn bộ dân tộc Việt nam, tất cả người dân đều góp phần chứ không chỉ riêng quân đội”, ông Pierre Bonny nói tiếp.
Đặc biệt, trái với khái niệm “Đối thủ” thông thường, ông Pierre Bonny cùng không ít binh lính Pháp thời đó, dành cái nhìn tôn trọng và ngưỡng mộ đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Đó là một nhà chiến lược xuất sắc. Ông ấy đã dẫn dắt quân đội Việt Nam giành chiến thắng xứng đáng, không có gì phải tranh cãi. Ở phía ngược lại, Tổng tư lệnh của quân Pháp khi đó là tướng Navarre lại phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Khi tình hình trở nên nghiêm trọng, ông ấy vẫn nghĩ rằng phải tiếp tục kéo dài cuộc chiến với lập luận rằng Pháp có ưu thế vượt trội về khí tài, có máy bay, có xe tải để tiếp viện lâu dài trong khi phía Việt minh không có gì. Đó là một sai lầm. Tướng Giáp đã chứng minh rằng dù không có phương tiện như phía Pháp nhưng Việt minh có xe đạp, xe thồ để chở mọi thứ lên chiến trường. Khi tôi bị bắt làm tù binh, tôi tận mắt chứng kiến những đoàn xe thồ kéo dài gần như bất tận, không ngưng nghỉ, chở lương thực, vũ khí lên Điện Biên Phủ. Những người chở hàng không ngồi lên xe mà chất mọi thứ lên đó và đẩy đi. Đó là chưa kể những người gánh đồ tiếp viện trên vai. Nhờ thế mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “nuôi” được hơn 30.000 bộ đội ở Điện Biên Phủ và giành chiến thắng”.
60 năm đã qua, người lính năm xưa giờ đã 80 tuổi. Trở lại Pháp, chấm dứt cuộc đời binh nghiệp và gây dựng cuộc sống dân sự, ông sống hạnh phúc với vợ và 4 người con. Nhưng những kỷ niệm về Điện Biên Phủ luôn giữ một vị trí quan trọng trong tâm trí ông, thôi thúc ông là một trong những cựu chiến binh Pháp đầu tiên trở lại chiến trường xưa, vào năm 1995 và 1998 cùng với vợ và một số cựu binh khác.
“Tôi không thể nào quên những năm tháng từng trải qua với các đồng đội. Những gì diễn ra ở Điện Biên Phủ có thể nói là một bước ngoặt trọng đại. Nghĩa là, với cuộc sống của tôi sau đó, không còn điều gì có thể hệ trọng hơn. Trong nhiều năm sau đó, thậm chí nhiều chục năm sau, tôi luôn bị thôi thúc bởi ý muốn phải trở lại Điện Biên Phủ. Đến những năm 90, khi Việt Nam mở cửa, mong muốn đó của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi nằm trong số những người đầu tiên quay trở lại thăm chiến trường. Tôi đã tìm thấy những cao điểm A1, A2, A4… mà ngày còn tham chiến, chúng tôi đã không thể xác định được. Đã có vô vàn cảm xúc. Chúng tôi được tiếp đón bởi rất nhiều người trẻ, những người đã may mắn không phải chịu đựng chiến tranh. Giữa hai lần trở lại Điện Biên Phủ, tôi đã chứng kiến rất nhiều đổi thay, sự phát triển mạnh mẽ với nhiều ngôi nhà mới được xây dựng và chiến trường xưa dần nhường chỗ cho các công trình”, ông Pierre Bonny tâm sự.
“Tôi luôn nhớ và đánh giá cao đất nước, con người Việt Nam. Ở nơi ấy tôi đã gắn bó một quãng thời gian tuổi trẻ dữ dội của mình. Khi thời gian trôi qua, tuổi tác ngày càng cao, có những phán xét chín chắn hơn, tôi rất hối tiếc vì đã tham gia vào cuộc chiến tranh ở đất nước các bạn”, Hạ sỹ Pierre Bonny chia sẻ./.