TP HCM: Bệnh viện nhi quá tải bệnh nhân đường hô hấp
VOV.VN -Trong thời gian ngắn, các ca bệnh hô hấp tăng cao đột ngột đã gây quá tải tại các bệnh viện tại TP HCM.
Hiện nay, các phòng tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang rơi vào tình trạng quá tải với từ 2 đến 4 trẻ nằm chung một giường. Con số này tăng lên trong những ngày cuối tuần. Hiện có khoảng 450 bệnh nhân đang điều trị tại đây nhưng chỉ có 130 giường bệnh.
Rất nhiều trẻ phải nằm dọc hành lang, vì bệnh viện không thể ghép thêm giường. Hầu hết các bé nhập viện và điều trị bệnh hô hấp đang ở dưới 2 tuổi, có bé chỉ mới được 1 tháng đã nhiễm bệnh. Phần lớn các bệnh nhi được chỉ định nhập viện đang ở mức viêm hô hấp trên hoặc viêm phổi nặng.
Nhiều giường bệnh có tới 4 trẻ nằm chung |
Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, số lượng trẻ nhập viện tăng đột biến, nên việc quá tải trong thời điểm này là khó tránh khỏi. Để giảm tải cho Khoa Hô hấp, Bệnh viện đã triển khai tăng cường sàng lọc bệnh tại phòng khám, tăng tối đa số giường bệnh, chuyển gửi những bệnh nhi đã điều trị ổn định về tuyến dưới, tăng số lượng bệnh nhi điều trị ngoại trú...
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, với trên 6.000 trẻ đăng ký khám và điều trị trong ngày thì có gần 800 trẻ mắc hô hấp. Bệnh nhi không chỉ ở TP HCM mà ở các tỉnh khu vực phía Nam dồn về đây với nhiều triệu chứng nặng và kéo dài.
Các bác sĩ dự đoán số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện sẽ còn tăng cao đến tháng 11, 12. Trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên có triệu chứng ho, có thể kèm theo sổ mũi, sốt... Khoảng 70% trẻ mắc bệnh sẽ khỏi, số còn lại sẽ chuyển sang viêm đường hô hấp dưới.
Theo bác sĩ Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, khi thời tiết mưa nhiều, số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng lên. Mưa tăng, độ ẩm nhiều, các loại virus, vi khuẩn dễ phát triển, trong khi thay đổi thời tiết sức đề kháng của trẻ lại giảm nên trẻ dễ mắc bệnh.
Bác sĩ Hương khuyến cáo: “Khi người bé ướt, ra nhiều mồ hôi thì người nhà đừng nghĩ là bé đang bị nóng phải bật quạt hay bật máy lạnh hơn mà phải lau khô, chứ còn ướt vậy mà để trước luồng gió thì sẽ làm giảm nhiệt độ của cơ thể, làm cho các bé dễ bị mắc bệnh hơn”.
Cha mẹ cũng lưu ý theo dõi trong mùa dịch bệnh, nếu trong gia đình có người ốm thì nên cách ly, đặc biệt là những bé còn ít tháng tuổi, cần tránh tiếp xúc nguồn bệnh. Bên cạnh đó, cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng vệ như đeo khẩu trang, rửa tay hoặc không cho trẻ đi học khi phát hiện bé có dấu hiệu bệnh, tránh làm nguồn lây ở trường./.