TP.HCM hỗ trợ kinh phí cho 17 bệnh viện để trả lương nhân viên
VOV.VN - Sở Y tế TP.HCM vừa phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách TP hỗ trợ 17 bệnh viện gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm đặc thù cho nhân viên y tế (theo Nghị quyết 03 do HĐND TP.HCM ban hành năm 2018).
Sở Y tế TP.HCM nhận định, khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm của các bệnh viện này là hệ quả của tự chủ bệnh viện chưa bền vững. Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, một số bệnh viện không đứng vững được sau giai đoạn nỗ lực chống dịch Covid-19, số lượt người đến khám chữa bệnh giảm sâu và nguồn thu giảm sút.
Sau 20 năm các bệnh viện chuyển từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, kết quả rõ nét nhất là ngân sách TP chi cho lĩnh vực y tế đã giảm từ 7% (năm 2016) xuống còn 2% (năm 2020). Một số bệnh viện phát triển tốt về chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ.
Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, còn rất nhiều bệnh viện gặp khó khăn, khoảng cách giữa các bệnh viện công lập ngày càng rõ nét hơn. Đặc biệt, khoảng cách về mức thu nhập tăng thêm giữa nhân viên y tế công lập tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế rất chênh lệch. Cụ thể, tổng thu nhập tăng thêm trung bình dao động từ 7 đến 39 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, các bệnh viện đa khoa thường có mức thu nhập tăng thêm bình quân thấp hơn các bệnh viện chuyên khoa.
Trước mắt, năm 2022 - 2023, ngành y tế rất hy vọng Nghị quyết 03 được duy trì, giúp ổn định thu nhập cho nhân viên y tế của các bệnh viện đang gặp khó khăn về chênh lệch thu chi. Về lâu dài, các bệnh viện cần được phép điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ, giúp ổn định chênh lệch thu chi.
Theo Sở Y tế TP.HCM, thời gian qua, các bệnh viện đa khoa chịu tác động nhiều hơn các bệnh viện chuyên khoa. Tại bệnh viện đa khoa, tần suất nhân viên nghỉ việc cao gấp 2 lần so với bệnh viện chuyên khoa, đây là hệ quả của sự chênh lệch về thu nhập tăng thêm giữa các bệnh viện. Thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình buộc nhân viên y tế nghỉ việc để chuyển đổi sang bệnh viện tư nhân hoặc chuyển nghề.
Trước tình hình trên, ngành y tế TP.HCM rất cần các giải pháp về cơ chế chính sách để rút ngắn các khoảng cách, tạo sự công bình trong phát triển, thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế công lập. Từ đó, giúp họ an tâm công tác, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho người dân.
Từ đầu năm đến cuối tháng 9, TP.HCM ghi nhận hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc, tương đương số người nghỉ việc của cả năm 2021. Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ ở các bệnh viện công lập chỉ 1,86 điều dưỡng/bác sĩ, trong khi yêu cầu từ 3-4 điều dưỡng/bác sĩ./.