TP.HCM vẫn chưa đạt kỳ vọng việc phân loại rác tại nguồn
VOV.VN - Cuối năm 2024, hành vi không phân loại rác sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Tại TP.HCM, việc phân loại rác đã được tuyên truyền, triển khai từ năm 2018 nhưng đến nay, thực tế vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Phân chia rác nơi làm, nơi không
Tại Phường 8, quận Phú Nhuận, việc phân loại rác đã được phổ biến tới mọi gia đình. Người dân tại đây phân chia rác làm hai loại: rác sinh hoạt tiêu huỷ được và rác nhựa, túi nilon. Một số nhà đã có riêng 2 thùng rác để thực hiện đúng theo hướng dẫn.
Hầu hết các gia đình đều nhận thức được ý nghĩa và mục đích của việc phân loại rác. Tuy nhiên, không phải tất cả đều thực hiện tốt. Một số người chưa xây dựng được thói quen này, hoặc những người giúp việc, người từ nơi khác tới thuê nhà thì không thể kiểm soát và yêu cầu được.
Bà Trần Thị Thanh Thủy (ngụ quận Phú Nhuận) nói: "Trong việc thực hiện này chủ yếu trọng tâm vẫn là cán bộ chứ người dân tỷ lệ ít lắm. Thôi thì phải từng người, từng nhà một, phải lâu dài".
Còn tại Phường 4, quận Gò Vấp, một số hộ gia đình có ý thức hơn trong việc phân loại rác. Rác thải hữu cơ được tận dụng để bón cây, trồng rau. Còn rác không phân hủy thì có thể gom lại bán ve chai. Việc phân loại rác được nhiều người nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Bà Nguyễn Thị Đào (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: "Phường tuyên truyền, khu phố tuyên truyền vận động, làm mọi cách để các gia đình phân loại rác nên tôi chấp hành. Sau khi làm thì đã thành thói quen".
Cần nâng cao ý thức cho người dân
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (Citenco), mỗi ngày, TP thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, khối lượng rác thải tăng bình quân từ 6% đến 10% mỗi năm. Hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.
Nói về việc thu gom, phân loại rác, ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty Citenco cho rằng cần có sự chung tay từ người dân, cộng đồng: "Phải làm từ từ, từng giai đoạn chứ không thể nào đưa vào áp dụng ngay được. Phải có cả một quá trình vừa làm vừa điều chỉnh. Chắc chắn sẽ thực hiện được vì người dân ai cũng mong muốn môi trường trong lành".
Về phía cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho rằng, cần sớm xem xét các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã thu gom rác, xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ: "Đây cũng là một trong những vướng mắc, rất mong các bộ ngành nghiên cứu để có hướng dẫn để chúng tôi có thể thực hiện một cách thống nhất".
Để thực hiện hiệu quả việc phân loại rác là vấn đề không đơn giản, cần một quá trình thay đổi nhận thức. Nếu ý thức của người dân không được nâng lên, thì dù có áp dụng xử phạt cũng không thể đảm bảo được lâu dài.