Trả lại không gian công cộng từ những cơ sở công nghiệp di dời
VOV.VN - Hà Nội có chủ trương chuyển đổi không gian của các cơ sở công nghiệp sau khi di dời thành không gian công cộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều công trình bằng cách nào đó đã được chuyển đổi mục đích thành các khu nhà ở, gây áp lực lớn cho hạ tầng, bức xúc trong dư luận.
Bởi vậy, dưới góc nhìn của VOV Giao thông để các không gian này được sử dụng đúng mục đích, và cao hơn nữa là phát huy giá trị của các không gian đó một cách tốt nhất mà không xóa sạch một cách uổng phí, rất cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cách làm công phu.
Hàng chục các cơ sở công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bị xóa sổ chuyển đổi thành các khu nhà ở, các trung tâm thương mại. Trong khi đó, người dân thủ đô đang đối mặt với thực tế thiếu không gian công cộng.
Hiện, tỷ lệ không gian xanh ở nhiều quận, huyện của Hà Nội chưa được 2m2/người, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 8-9m2/người của nhiều đô thị trên thế giới.
Sau di dời nhà máy xí nghiệp, thiết kế không gian công cộng ra sao? Hiện, Hà Nội cũng đang trong tiến trình điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội theo Luật quy hoạch mới. Tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua 9 cơ sở nhà, đất thuộc diện di dời với những diện tích lớn.
Trong số này, kiến trúc của một số cơ sở công nghiệp có giá trị lịch sử, mang dấu ấn của thời kỳ đổi mới phương thức sản xuất tiên tiến của xã hội Việt Nam tại thời điểm đó cần được bảo tồn.
Đây là cơ hội tốt để chính quyền thành phố Hà Nội sử dụng quỹ đất ở các khu vực cơ sở công nghiệp sau khi di dời cho không gian công cộng, xây dựng phát triển không gian sáng tạo để người dân có thể tiếp cận.
Tùy vào lịch sử, điều kiện thực tế, các không gian được tái thiết lại cho những mục đích nghiên cứu về công nghệ, môi trường, sáng tạo, hay tạo những không gian dành cho bảo tàng, thư viện và hoạt động khởi nghiệp, ý tưởng mới, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của giới trẻ, tạo nên những dấu ấn, giá trị riêng cho thủ đô Hà Nội, từ đó thu hút du khách đến tham quan.
Các cơ sở công nghiệp thuộc diện di dời đều ở những vị trí “kim cương” có giá trị về mặt đất đai vô cùng lớn, là mục tiêu của nhiều nhà đầu tư bất động sản.
Chuyển đổi không gian tại 9 cơ sở công nghiệp thành những khu nhà ở, trung tâm thương mại có thể mang lại những lợi ích về mặt kinh tế lớn và ngay tức thì, nhưng sẽ tăng thêm gánh nặng cho hạ tầng giao thông vốn đã quá tải trong nhiều năm, đi chệch định hướng giảm tải cho khu vực nội đô mà thành phố đang hướng tới.
Mặt khác, điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị và về lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ trẻ, khi chúng không có không gian để phát huy sự sáng tạo.
Chuyển đổi các cơ sở công nghiệp thành không gian công cộng là điều cần thiết và bắt buộc. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các cơ sở công nghiệp bị “xóa sổ” nhanh chóng, trước tiên, cần phải tập trung vào công tác quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch, ưu tiên hàng đầu là dành không gian để phục vụ mục đích công cộng.
Trước khi di dời các cơ sở công nghiệp, cộng đồng xã hội, người dân cần được biết không gian đó sẽ được thay thế bằng cái gì.
Để có thể lựa chọn các cơ sở công nghiệp để bảo tồn, lưu giữ một phần hoặc toàn bộ, cần tiến hành đánh giá và công bố các giá trị di sản của các cơ sở công nghiệp thông qua các cuộc hội thảo liên ngành với sự tham vấn của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, lịch sử, từ đó xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá khoa học và bài bản hơn.
Thể chế hóa khái niệm di sản công nghiệp và đưa vào văn bản quy phạm pháp luật như Luật di sản của Bộ văn hóa và Luật kiến trúc của Bộ Xây dựng cũng là yêu cầu không thể thiếu.
Điều quan trọng, chính quyền thành phố Hà Nội cần quán triệt vai trò quan trọng của không gian công cộng, cây xanh đối với đời sống của người dân đô thị và quyết tâm thực hiện đúng theo chủ trương đã đề ra, từ đó có những chính sách hài hòa lợi ích giữa các bên, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố và chất lượng sống của người dân./.