Trả lại tên cho hơn 5,5 vạn cán bộ đi B

Sau hơn 2 năm tích cực thực hiện chỉnh lý gần 56.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang từng bước trao khối hồ sơ tài liệu này về các địa phương.

Từ 1954 đến năm 1975, trong suốt những năm tháng đấu tranh chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều cán bộ từ miền Bắc đã vào Nam công tác. Nhiều người trong số đó đã hi sinh thầm lặng. Cho đến nay phần lớn vẫn là những liệt sỹ vô danh. Sau hơn hai năm, các cán bộ, viên chức Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hoàn thành, chỉnh lý gần 56.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, góp phần tích cực trả lại tên, tiểu sử đích thực của họ.

Để phân loại, lập thành cơ sở dữ liệu được như ngày hôm nay, là một việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi người làm công việc này phải rất cẩn thận, chi tiết và có trách nhiệm. Họ không được phép để mất bất cứ một mẩu giấy nào, kể cả những tờ giấy trên đó chỉ viết vài dòng mà người đọc bây giờ cũng không hiểu nội dung.

Ông Vũ Xuân Hưởng, Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia III cho biết: “Để chỉnh lý ra được khối lượng 55.710 hồ sơ này hết sức vất vả nhưng chúng tôi quán triệt anh em hàng tháng, hàng tuần giao ban khối lượng công việc. Anh em làm trong 2 năm ròng rã, tỉ mỉ từng trang lý lịch, từng bí danh, ngày sinh... Nhìn khối hồ sơ hoàn thành, trong mỗi chúng tôi dâng lên cảm xúc thiêng liêng, xúc động, cảm thấy như thế hệ cha anh đã ngã xuống vì Tổ quốc đang theo dõi từng việc làm của mình hôm nay.”

Những năm qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thường xuyên thông tin cho các địa phương có cán bộ đi B thời ấy, thân nhân của họ hoặc các đơn vị quản lý có trách nhiệm đến nhận lại hồ sơ. Trung tâm đã tổ chức hai cuộc triển lãm lớn về hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều cán bộ đi B và thân nhân của họ biết được thông tin. Năm qua hàng nghìn người đã đến Trung tâm để nhận lại hồ sơ kỷ vật.

Một cuộc trưng bày kỷ vật cán bộ đi B

Chị Đỗ Thị Kim Ngân là con của liệt sỹ Đỗ Bách Trú, bí danh là Đỗ Minh Long, Đỗ Bách Thắng, sinh năm 1936, quê quán: thôn Phước Hậu, xã Hoà Kiến, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Từ năm 1950 ông Đỗ Bách Trú tham gia hoạt động cách mạng và tập kết ra Bắc. Năm 1965 đang ở Ban tổ chức Trung ương có quyết định đi B, năm 1966 hy sinh. Khi ông hi sinh, chị Ngân mới 13 tuổi.

Nhiều năm ròng rã từ Nam ra Bắc đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương tìm kiếm tung tích cha, nhưng mọi sự cố gắng của chị đều không có kết quả. Trong lúc không còn hi vọng thì tình cờ chị biết, tháng 12/2006 Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức Triển lãm "Hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B". Chị đến Trung tâm đề nghị tìm tung tích cha, và không lâu sau, cán bộ Trung tâm thông báo, có hồ sơ của ông Đỗ Bách Trú, bí danh Đỗ Bách Thắng, số hiệu 8043. Chị vô cùng cảm động khi tận mắt nhìn thấy bút tích của cha mình trên bộ hồ sơ đã cũ, những dòng chữ đã nhòe theo thời gian.

Chị Đỗ Thị Kim Ngân xúc động: “Chính vì tìm được hồ sơ gốc nên tôi biết được tên hoạt động bí mật của ba tôi là Đỗ Minh Long. Cũng nhờ số tài liệu này và sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm mà tôi đã tìm được đồng đội của ba tôi, và cuối cùng là tìm ra được phần mộ của ba tôi…”

Thời gian qua, Trung tâm lưu trữ quốc gia III đã mời 15 tỉnh, thành ra Trung tâm nhận lại Danh mục hồ sơ cán bộ đi B và cán bộ Trung tâm trực tiếp tới 5 địa phương là Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu để trao Danh mục hồ sơ cán bộ đi B . Những hồ sơ kỷ vật này sẽ tiếp tục được trao cho đến khi toàn bộ 56.000 hồ sơ cán bộ đi B được giao hết cho các địa phương. Trung tâm vừa mới giao hơn 6.000 hồ sơ, kỷ vật cho 4 tỉnh Bạc Liêu, Bình Định, Gia Lai và Tây Ninh. Trong đó Bình Định là tỉnh nhận nhiều hồ sơ kỉ vật nhất.

Bà Phan Thị Thanh Tâm, cán bộ Sở Lao động Thương binh Xã hội, tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn các anh chị ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã lưu giữ những di vật của các anh hùng liệt sỹ tỉnh nhà. Chúng tôi sẽ cố gắng đem những di vật ấy về tận nơi thân nhân của họ sinh sống để thỏa mãn lòng mơ ước của mọi người mấy chục năm nay. Những di vật của các anh hùng liệt sỹ cần phải được bảo quản thật tốt vì nó là tài sản vô giá của đất nước”.

Những trang lý lịch, những tấm ảnh liệt sĩ đã hoen ố theo thời gian. Những tấm huy chương và bằng khen đã phai màu theo năm tháng. Nhưng vẫn còn nguyên trong lòng mọi người hình ảnh về những người thân của họ. Tất cả nhắc nhở mọi người nhớ một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, để có thể theo gương người đi trước, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên