Trả lương không đủ sống là xúc phạm công chức

Theo các chuyên gia, phải đánh giá lại tiêu chuẩn, chất lượng công chức, viên chức; tăng lương xứng đáng cho họ để tăng chất lượng dịch vụ công.

  •  
Đề xuất lương tối thiểu cho công chức là 3,15 triệu đồng/tháng

Trả lương kiểu “gọt chân theo giầy”

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, mục tiêu đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020 nhằm hướng đến điều chỉnh mức lương ngày càng sát thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức có mức lương đạt ngưỡng trung bình khá của xã hội. Đây là một trong các tiêu chí góp phần thực hiện tốt hơn tiến bộ và công bằng xã hội; thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với cải cách hành chính và góp phần phòng, chống tham nhũng.

Bởi theo đánh giá của Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu theo điều chỉnh từ ngày 1/5/2012 lên 1.050.000 đồng/tháng cũng mới chỉ đảm bảo 75% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất và bằng 52,5% mức lương tối thiểu vùng cao nhất của doanh nghiệp. Còn theo tính toán của Bộ LĐ, TB&XH, mức lương tối thiểu vùng thực hiện từ ngày 1/10/2011 đến hết 2012 mới bằng khoảng 78% mức sống tối thiểu. Và, hệ số lương khởi điểm 2,34 (hệ số trung bình áp dụng cho cán bộ, công chức tốt nghiệp đại học, đã qua tập sự), còn thấp hơn nhiều so với các mức tăng lương trên thị trường, dẫn đến hệ thống thang, bậc lương còn bình quân, mức lương xác định đối với các chức danh tương ứng chưa phản ánh đúng mức độ phức tạp của công việc.

Các chuyên gia cho rằng, muốn cải cách tiền lương, trước hết cần phải nhận thức rằng đây là một vấn đề quan trọng của cải cách thể chế cơ chế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Hiện nay, thể chế kinh tế- xã hội đang tiến  nhanh, nhưng thể chế tiền lương còn đi sau, lạc hậu rất xa.

TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH, nhấn mạnh: “Nếu cải cách lần này không phá được vòng luẩn quẩn của các lần cải cách trước sẽ không thành công. Vòng luẩn quẩn nhiều năm qua hiện rõ là sau nhiều lần cải cách lương vẫn không đủ sống, lương chiếm phần rất nhỏ trong thu nhập của công chức nhưng tỷ lệ chi ngân sách cho tiền lương lại rất cao. Vì thế, lâu nay nước ta trả lương kiểu “gọt chân cho vừa giầy”.

Và, TS Dũng cảnh báo: “Cải cách tiền lương phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập khu vực thị trường. Nếu không thỏa mãn quan hệ này sẽ dẫn đến hội chứng “tước đoạt để bù đắp tiền lương” trong thực thi nhiệm vụ, công vụ (dẫn đến tiêu cực, tham nhũng), can thiệp hành chính vào thị trường của các nhóm lợi ích để “đòi chia sẻ lợi ích”, làm lũng đoạn, méo mó thị trường và tăng dòng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường, nơi có tiền lương và thu nhập cao hơn”.

Không thể cào bằng đội ngũ công chức

Các chuyên gia cho rằng, cải cách tiền lương là cần thiết và cấp bách để ngăn “chảy máu chất xám” của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để điều chỉnh được mức lương thực sự khách quan, khoa học, sát thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trước hết cần xác định rõ ai là cán bộ, công chức, viên chức. Bởi hiện nay, lực lượng này rất lớn, ngày càng gia tăng, và tiêu chuẩn xác định không rõ ràng, và “gia nhập đội ngũ công chức còn dễ dàng”.

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nghiệm UBTV Quốc hội, đặt câu hỏi: “Ai là cán bộ, công chức, viên chức theo luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức trong dự thảo định hướng cải cách tiền lương, có bao gồm: lái xe, nhân viên phục vụ, điện, nước, bảo vệ và các chức danh tương tự không?”.

Ông Lợi còn nhấn mạnh: “Dự thảo cải cách tiền lương xác định “Cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội" là mơ hồ, không khả thi vì mức sống trung bình khá trong xã hội là gì? Ai xác định? Cách xác định ra sao? Ai công bố và định kỳ công bố thế nào để điều chỉnh tiền lương của họ”. Vì vậy, ông Lợi đề nghị viết lại là "bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ít nhất bằng mức thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp".

Vấn đề xã hội hoá dịch vụ công gắn liền với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả về mức sống và chất lượng dịch vụ công. Song quan điểm xã hội hóa dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công được nêu ra gần 20 năm nay nhưng vẫn chỉ là khẩu hiệu, chủ trương, chưa đi vào thực tế một cách chặt chẽ, khoa học, toàn diện bởi quan điểm và cụ thể hóa thực hiện quan điểm còn thiếu rõ ràng, mạch lạc...

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phải đạt mức lương là nguồn thu chính đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình họ, giúp họ yên tâm làm việc, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu công vụ theo luật định. Đồng thời, phải có kỷ luật nghiêm, thực sự sàng lọc, đào thải được cán bộ, công chức, viên chức không bảo đảm yêu cầu ra khỏi bộ máy nhà nước.

TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cách đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, trả lương và những ràng buộc kiểu “trói chân” họ như hiện nay là chưa ổn. Cần phải đặt họ trong môi trường thị trường lao động cạnh tranh của kinh tế thị trường thực sự. Ở đó, họ cũng là những lao động bình đẳng, phải được đánh giá đúng, trả lương tương xứng. Đặc biệt, cần chống bình quân, cào bằng trong đội ngũ công chức, viên chức, phải minh bạch tiền lương và thu nhập.

Ông Phúc nhấn mạnh: “Hệ thống tiền lương hiện nay đang làm phá vỡ những trật tự, kỷ cương trong hệ thống hành chính công. Tư duy trả lương kiểu ban phát đã và đang làm phát sinh thực trạng trên bảo dưới không nghe, mất hiệu lực và kỷ cương công vụ. Hơn nữa, trả lương không đủ sống như là một sự xúc phạm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Còn ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, bên cạnh việc cải cách lương, cần thực hiện được quyền tự chủ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Song hành việc tăng cường tính chủ động giải quyết công việc theo luật của cán bộ, công chức, viên chức (không lệ thuộc nhiều vào ý kiến cấp trên nữa!). Đặc biệt, thực hiện cơ chế thủ trưởng đơn vị quyết định việc tuyển dụng lao động, trả lương và sa thải lao động, nếu không đạt tiêu chuẩn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên