Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí- vấn đề nóng bỏng hiện nay
VOV.VN - Theo Nhà báo Hữu Thọ, thái độ của người làm báo là phải luôn đặt tiêu chí sự thật lên hàng đầu
"Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỉ nguyên số" là chủ đề hội thảo khoa học do khoa Báo chí-Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Viện KAS (Đức) tổ chức sáng 10/6, tại Hà Nội.
|
||
Các đại biểu tham dự hội thảo khẳng định: kĩ thuật số và những ứng dụng đa phương tiện đang tạo ra môi trường thông tin sống động, phong phú, đa dạng, là nguồn thông tin vô cùng quan trọng của báo chí; tăng khả năng tương tác giữa báo chí và công chúng.
Đặc biệt, nhiều cơ quan báo chí đã biết sử dụng mạng xã hội để chủ động truy cập, tìm kiếm, cung cấp thông tin một cách rộng rãi hơn.
Tuy vậy, thời kì kĩ thuật số là thời kì bùng nổ của báo chí, tạo sự bão hòa và khó kiểm soát thông tin.
Bên cạnh đó, áp lực thu hút công chúng, cạnh tranh quảng cáo để duy trì sự tồn tại của cơ quan báo chí, tình trạng sao chép, bản quyền, cân bằng tính định hướng và thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu công chúng...đang là những thách thức đối với các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo.
Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng: Nghề gì cũng có tiêu chuẩn đạo đức, nghề nhà báo cũng vậy. Hiện nay nhiều nguồn thông tin trên mạng Internet khó kiểm định, nhưng thái độ của người làm báo là phải luôn đặt tiêu chí sự thật lên hàng đầu.
“Đấy là sự công phu của từng nhà báo, phải tiếp cận sự thật... Đó là sự tôn vinh mình, tôn vinh nghề nghiệp vì mình muốn công chúng biết sự thật... Việc thông tin nhiều chiều bắt chúng ta phải chọn lựa. Điều này phụ thuộc bản lĩnh của nhà báo, không ai thay thế được anh”- Nhà báo Hữu Thọ nói.
Nhà báo Đỗ Văn Dũng, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ trong tham luận của mình nhấn mạnh vấn đề tạo niềm tin với công chúng. "Không cách nào khác là phải lấy sự thật và lợi ích của bạn đọc để chinh phục niềm tin của họ. Dĩ nhiên, để làm điều đó, đội ngũ làm báo phải chấp nhận dấn thân, thậm chí chấp nhận nguy hiểm".
Nói về đạo đức của người làm báo phát thanh, TS Trần Thị Tri (Giám đốc Hệ VOV2 Đài Tiếng nói Việt Nam) cảnh báo về những vi phạm bắt đầu từ sự dễ dãi với chương trình, thiếu trách nhiệm với thính giả, tạo ra những chương trình nhàm chán, thiếu thông tin hoặc cũ rích, lỗi thời, thiếu đầu tư cho lời dẫn, âm nhạc... Những chương trình đó không có gì sai nhưng cũng không mời mẻ, khiến người nghe muốn tắt radio. Khía cạnh này rất khó bắt bẻ, quy lỗi để xử lý nhưng nó khiến uy tín của chương trình, của cơ quan báo chí bị suy giảm.
PGS TS Nguyễn Thị Trường Giang (HV Báo chí- tuyên truyền) tham luận về vai trò tự giáo dục, tự hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, cho rằng: Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp là quá trình bền bỉ suốt đời thông qua hoạt động thực tiễn nghề nghiệp, là sự tiếp tục giáo dục đạo đức ở bên trong nhà báo... Yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là sự tự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi nhà báo.
Các đại biểu dự hội thảo cho rằng: trước tình trạng 2 phần 3 số vụ sai phạm của báo chí trong thời gian gần đây xảy ra ở loại hình báo điện tử, cần cân nhắc vấn đề quy hoạch báo chí đến năm 2020 với lực lượng báo chí chủ đạo là báo điện tử.
Đặc biệt, nếu chúng ta không có phương án cụ thể để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí thì sẽ hạn chế sức sáng tạo cũng như nhiệt huyết của phóng viên khi tác nghiệp, đồng thời ảnh hưởng lớn tới mức độ cạnh tranh thông tin, lợi ích kinh tế của các cơ quan báo chí./.