Trạm đo nồng độ cồn miễn phí: Hữu ích, nhưng cần thí điểm?
VOV.VN - Từ khi Bộ Công an đẩy mạnh chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới, hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Hầu hết người tham gia giao thông đều đồng tình với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn từ mức không.
Tuy vậy, rất nhiều người tham gia giao thông mong muốn có các trạm kiểm tra nồng độ cồn miễn phí, để người dân chủ động trong việc kiểm tra, quyết định việc có tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới hay không.
Nếu tổ chức các trạm này, mô hình hoạt động sẽ như thế nào? Cần cân nhắc điều gì? PV VOV Giao thông đối thoại với Thạc sĩ Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, hầu hết người dân đều tán thành việc xử lý vi phạm nồng độ cồn từ mức 0, và đông đảo người dân, tài xế cũng mong muốn có những điểm đo nồng độ cồn miễn phí. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Văn Đạt: Việc lập các điểm thử nồng độ cồn miễn phí cho người dân trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng là một trong những ý tưởng hữu ích và có thể giúp cải thiện về ATGT.
Việc lập các điểm thử nồng độ cồn miễn phí có thể sẽ giúp phát hiện sớm người lái có nồng độ cồn trước khi họ điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, người lái nếu phát hiện không có nồng độ cồn thì sẽ tự tin tham gia giao thông và tránh được tâm trạng lo sợ, dẫn đến phân tâm khi điều khiển phương tiện, nó có thể tạo ra các tình huống, các rủi ro gây TNGT.
Hiện nay, lái xe mua các thiết bị thử nồng độ cồn thì có thể chất lượng không đảm bảo, cho nên vẫn có tâm lý lo sợ.
Thứ hai, cũng thông qua việc kiểm tra nồng độ cồn thì người điều khiển phương tiện có thể sẽ nâng cao ý thức về việc không lái xe khi đã uống rượu bia và quan trọng nhất, nếu người lái biết mình đã uống quá mức thì họ sẽ tìm cách khác để di chuyển hoặc là chờ đến khi họ không còn bị ảnh hưởng của cồn và giảm các rủi ro khi tham gia giao thông và như vậy sẽ giảm được TNGT.
PV: Theo ông, nếu ra đời điểm đo nồng độ cồn miễn phí này thì nên đặt ở đâu và tổ chức hoạt động như thế nào?
Ông Lê Văn Đạt: Trong trường hợp thiết lập các điểm thử nồng độ cồn miễn phí thì cần phải đảm bảo rằng, các điểm đó được phân bố một cách rộng rãi và dễ dàng cho việc tiếp cận của người dân.
Cho nên chúng ta sẽ phải đặt ở những vị trí mà người dân có thể được tiếp cận nhiều nhất, như các khu vực đông dân cư, hoặc những khu vực trung tâm của các phường, các xã. Như vậy, việc tiếp cận của người dân mới dễ dàng thì nó mới mang lại hiệu quả được.
Còn về phần cân nhắc, việc lập và duy trì các điểm thử nồng độ cồn nó cũng đòi hỏi nguồn lực, đặc biệt là vấn đề liên quan đến kinh phí, ngân sách, cần phải xem xét chi phí, hiệu quả của giải pháp này đến mức nào, nguồn lực lấy từ đâu và nguồn nào cho phù hợp.
Một trong những vấn đề quan trọng nữa đó là việc đảm bảo rằng, các điểm thử phải được phân bố một cách rộng rãi để có thể tiếp cận được nhiều người dân. Vấn đề người dân đi thử họ tự đi hay gọi phương tiện đi, hay nhờ người chở, rồi liên quan đến vấn đề quản lý như thế nào...
Đây là những vấn đề cần phải được xem xét một cách rất kỹ lưỡng. Ngoài ra cũng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo đảm rằng, việc kiểm tra không vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.
Nói một cách khác, việc lập các điểm thử nồng độ cồn nó có thể giúp nâng cao ý thức về ATGT, tuy nhiên cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả và tính hợp lý của giải pháp đề ra.
PV: Theo ông, có nên thí điểm mô hình này trước khi nhân rộng?
Ông Lê Văn Đạt: Đối với mỗi chính sách mới thì việc chúng ta triển khai thí điểm là rất cần thiết. Thông qua việc triển khai thí điểm thì sẽ đánh giá được hiệu quả cũng như sự thuận lợi và các điều kiện khác mà trong quá trình đề xuất chính sách chưa được bao quát, cho nên rất cần thiết về việc tiến hành thí điểm. Theo tôi là rất cần thiết.
PV: Xin cảm ơn ông!