Trạm quân dân y kết hợp, điểm tựa của bà con nơi vùng biên giới
VOV.VN - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thầy thuốc Trạm quân dân y thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chăm sóc sức khỏe; vừa tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến người dân nơi biên cương.
Dân Hoá là xã vùng biên, có diện tích rộng, địa hình cách trở, đồng bào dân tộc thiểu số sống thưa thớt nên công tác khám, chữa bệnh cho người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế. Những năm qua, nhờ có Trạm Y tế quân dân y kết hợp thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá, đồng bào vùng cao luôn được quan tâm chăm sóc sức khỏe chu đáo.
Ở tuổi xế chiều, ông Hồ Luật, 70 tuổi, trú tại thôn Bãi Dinh, xã Dân Hoá thường bị bệnh tật hành hạ. Ông Luật sống một mình, ốm đau không có người thân bên cạnh nên hàng ngày, những thầy thuốc ở Trạm Y tế quân dân y kết hợp thường xuyên vào bản thăm khám và hỗ trợ bữa ăn cho ông.
Ông Hồ Luật kể, hồi xưa bà con dân bản còn mê muội lắm, mỗi lần đau ốm là tìm đến thầy cúng để đuổi “con ma rừng” cho mau khỏi bệnh. Từ khi có Trạm quân dân y của mấy chú bộ đội về bản, người dân ai ốm đau đều tìm tới nhờ các thầy thuốc Biên phòng thăm khám và cho thuốc.
“Bộ đội Biên phòng giúp bà con rất nhiều, tình cảm quân với dân như cá với nước, như chim với rừng. Lúc ốm đau không đủ tiền đi viện thì lúc đó nhờ có các chú bộ đội biên phòng cho thuốc, cho cái này cái khác giúp đỡ bà con”, ông Hồ Luật nói.
Thiếu tá Phan Anh Tuấn, Cán bộ Quân y tại Trạm Y tế quân dân y kết hợp thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo thường xuyên thăm hỏi, dặn dò bà con dân bản cách tự chăm sóc sức khỏe.
Thiếu tá Phan Anh Tuấn cho biết, trước đây, bà con đau ốm luôn tìm đến những phương thức chữa trị truyền thống, trong đó có một số phương pháp phản khoa học, không chữa được bệnh mà còn khiến sức khoẻ của người bệnh xấu đi. Từ khi có Trạm y tế quân dân y kết hợp thì người dân có bệnh là tới đây thăm khám.
Trong khuôn viên của Trạm quân dân y kết hợp có một vườn thuốc nam xanh mướt, là nguồn dược liệu quý của núi rừng Trường Sơn có thể chữa trị một số loại bệnh. Thiếu tá Phan Anh Tuấn tâm sự, kỷ niệm khó quên nhất là những lần vượt lũ, băng rừng vào bản xa để cấp cứu bệnh nhân. Vào mùa mưa, các bản làng tại đây hầu hết bị chia cắt, nước tại các con suối chảy xiết. Trong thời gian ấy, có nhiều người đau ốm nên anh cùng đồng đội phải vượt suối nước chảy xiết để vào bản.
Thiếu tá Phan Anh Tuấn kể, có những đêm mưa gió mọi người quyết tâm vào tận nhà bà con để kịp thời sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân nguy kịch trước khi chuyển lên bệnh viện: “Mùa nắng thì còn đỡ, vào mùa mưa bão thì rất vất vả. Có những lúc nửa đêm đang ngủ, người dân đến gõ cửa, họ đi rừng về bị thương mình phải dậy xử lý, khâu vá kiểm tra vết thương. Những người già không đi lại được, mình phải đến các bản, nhiều khi đội đèn pin đi cả đêm để đến xử lý. Mùa mưa bão các bản làng đều bị chia cắt bởi khe suối khó tiếp cận. Anh em tìm đủ mọi cách để sang và tiếp cận xử lý bước đầu cho bệnh nhân”.
Hiện nay, Trạm Quân dân y kết hợp thuộc đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo được trang bị gần như đầy đủ vật tư, dụng cụ y tế và các loại thuốc phục vụ khám, chữa các loại bệnh thông thường và sơ cứu ban đầu cho bà con. Chỉ những trường hợp người bệnh nặng cần điều trị lâu dài thì mới chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.
Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho hay, những năm qua, nhờ hoạt động của phòng khám quân dân y, sức khỏe của đồng bào vùng cao luôn được đảm bảo, nghĩa tình quân dân khăng khít hơn. Những thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi biên giới cao luôn nhận được sự tin yêu từ đồng bào nơi đây.
Theo Thượng tá Phan Thanh Bổng, trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới chính là điểm tựa tin cậy cùng bà con đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.
“Bộ đội Biên phòng trong thời gian qua đã duy trì hiệu quả hoạt động Quân dân y. Tuyên truyền cho bà con nhân dân nắm rõ các bệnh thông thường, cách sơ cứu. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều tổ chức khám chữa bệnh các bệnh thông thường. Huy động các nhà hảo tâm, các tổ chức hỗ trợ bà con các loại thuốc thiết yếu thông thường một cách kịp thời”, Thượng tá Phan Thanh Bổng cho biết./.