Trạm y tế xã giảm gánh nặng chuyển tuyến cho bệnh nhân nghèo Lai Châu
VOV.VN - Trước đây các trạm y tế chủ yếu làm công tác y tế dự phòng và cấp phát thuốc, thì nay nhờ được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực, việc khám chữa bệnh cho người dân được nâng lên rõ rệt.
Trạm y tế tuyến xã ở Lai Châu đang ngày càng phát huy hiệu quả tích cực trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị và con người, các trạm y tế ở địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa đang là điểm tựa cho những bệnh nhân nghèo, giảm gánh nặng bệnh nhân tuyến trên và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người bệnh.
Sau gần một ngày xuất hiện triệu chứng đau bụng, anh Giàng A Cu, ở bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu được gia đình đưa về trạm y tế xã để thăm khám. Tại đây anh được được cán bộ y tế siêu âm ổ bụng và chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày. Sau 2 ngày điều trị nội trú tại trạm y tế xã, bệnh tình đã thuyên giảm nhanh chóng.
Anh Giàng A Cu tâm sự: Trước đây mỗi khi gia đình có người ốm đau đều phải về Trung tâm Y tế huyện mới có thể thăm khám được. Đường xá đi lại khó khăn, phải mất nửa ngày và khi về đó chi phí nhiều trong khi thu nhập của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Bây giờ trạm y tế đã được xây dựng khang trang, máy móc hiện đại được nhà nước cấp, nên bà con không phải vất vả về huyện như trước nữa.
Trước đây đồng bào các dân tộc vùng cao thường chỉ khi trong người có triệu chứng đau hoặc bệnh nặng mới ra Bệnh viện huyện để khám bệnh, còn các bệnh lý thường ở nhà dùng lá rừng đun để uống. Đặc biệt, với chị em phụ nữ, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản thường thuận theo tự nhiên và tự sinh ở nhà.
Thế nhưng, nhờ được đầu tư đầy đủ hệ thống thiết bị thăm khám bệnh thiết yếu và làm tốt công tác tuyên truyền, nay chị em đã đến trạm y tế để thăm khám định kỳ và sinh nở.
Y sĩ Lò Thị E, cán bộ y tế xã Tà Mung chia sẻ: “Trước đây, khám thai người dân ở trên này hay xấu hổ, không ra trạm để khám. Nhưng kể từ khi có máy siêu âm để kiểm tra thai, nhiều chị em phụ nữ trên bản đã xuống trạm để khám”.
Huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hiện có 12 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó 2/3 số trạm thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn. Nếu như trước đây các trạm y tế chủ yếu làm công tác y tế dự phòng và cấp phát thuốc cho người dân khi có nhu cầu, thì nay nhờ được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực, nên công tác phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh cho người dân ở cơ sở được nâng lên rõ rệt.
Ông Vũ Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Vài năm trở lại đây các trạm y tế đã được quan tâm đầu tư nên tỷ lệ người dân tin tưởng tới thăm khám cũng tăng cao.
Việc này đã giảm được bệnh nhân vượt tuyến. Giờ chỉ có ca bệnh nặng, tuyến cơ sở chưa xử lý được, bà con mới về huyện. Tuy nhiên, để các trạm y tế thực sự phát huy tối đa hiệu quả là nơi tuyến đầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cũng cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, với giải pháp đầu tư đồng bộ.
“Rất mong tỉnh có cơ chế tuyển dụng các bác sĩ về bố trí công tác tại tuyến xã. Ngoài ra, đối với đội ngũ y tế thôn bản, chúng tôi cũng mong tỉnh có chính sách tốt hơn, để có thể giữ được nguồn y tế thôn bản hiện nay”, ông Quang nêu ý kiến.
Cùng với việc các trạm y tế đang phát huy hiệu quả trong thăm khám và điều trị ban đầu cho người dân, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đang triển khai nhiều giải pháp, với mục tiêu phấn đấu đưa các trạm y tế đạt chuẩn, trở thành điểm tựa cho người bệnh ở cơ sở. Trong đó huyện chú trọng vào kiện toàn đội ngũ nhân viên đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý cho tuyến xã, đáp ứng nhu cầu trình độ, làm chủ công nghệ khám chữa bệnh hiện đại./.