Tràn bùn thải ở Cao Bằng: Bài học ít được rút kinh nghiệm
VOV.VN - Sự cố tràn bùn thải ở Cao Bằng cho thấy, những bài học ít được rút kinh nghiệm, không ít doanh nghiệp đặt lợi nhuận kinh tế lên trên.
Sự cố tràn bùn thải của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC ở xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng ngày 5/1 vừa qua có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Trong khi đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, khả năng tác động đến môi trường là không quá nghiêm trọng, thì nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, mức độ ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân về lâu dài rất đáng lo ngại. Sự việc này thêm một lần nữa cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở khai thác khoáng sản hiện nay.
Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo đánh giá sơ bộ ban đầu, phần nước thải và bùn thải tràn ra khả năng không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến môi trường, vì chì ở đây là chì sunfua, không hòa tan trong nước, do đó hàm lượng chì ở trong phần nước thải bị chảy ra ngoài là không cao.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đợi kết quả quan trắc để đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm và có giải pháp chỉ đạo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về những tác động tiêu cực đối với môi trường và đời sống con người sau sự cố này. PGS.TS Phùng Chí Sỹ – Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, nếu là chì sunfua thì khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sẽ thấp hơn do không tan trong nước, nhưng lượng chì sẽ tích tụ vào tôm cá, thực phẩm, đất đai, nên chắc chắn vẫn ảnh hưởng về lâu dài.
Tiến sỹ Phạm Khang, Tổng Thư ký Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam nhận định, trong hoạt động khai thác quặng, bùn thải không chỉ có chì mà còn có thể chứa nhiều loại kim loại nặng khác. Nếu tràn ra ngoài môi trường, các kim loại nặng này sẽ hòa tan vào nước, rất nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người:
“Nếu chì ở dạng oxit thì ít gây ảnh hưởng hơn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có các kim loại nặng hòa tan trong bùn thải, vì thông thường bùn thải từ tuyển quặng có chứa nhiều kim loại nặng. Cho nên nếu lượng kim loại nặng nhất định có hòa tan trong đó, khi xuống nước, sẽ gây ô nhiễm môi trường nước.
Đặc biệt, nếu hàm lượng của kim loại nặng hòa tan mà cao vượt tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam sẽ gây độc hại cho môi trường. Để khẳng định được chính xác phải chờ kết quả mẫu kiểm tra vì đến giờ vẫn chưa biết họ chỉ dùng sức nước hay còn dùng cái gì khác nữa”- ông Phạm Khang cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố tràn bùn thải từ các cơ sở khai thác khoáng sản, cũng như không phải lần đầu tiên xảy ra tại tỉnh Cao Bằng. Năm 2010, tại thị xã Cao Bằng đã xảy ra sự cố vỡ đập chắn bùn thải của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lủng (thuộc Tập đoàn TKV), làm cả núi “bùn đỏ” khổng lồ tràn ra khu dân cư gây hậu quả nghiêm trọng.
Còn nhiều doanh nghiệp coi trọng về kinh tế...
Năm 2014, tại tỉnh Yên Bái cũng đã xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn thải của Công ty cổ phần khoáng sản Tây Bắc, khiến một khối lượng bùn đất lớn tràn xuống đường, ruộng vườn và nhà dân.
Sự cố tràn “bùn đỏ” ở nhà máy Bauxite Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng cũng xảy ra trong năm 2014, gây xôn xao dư luận… Việc tràn hơn 2000 m3 bùn thải chì, kẽm ở tỉnh Cao Bằng ngày 5/1/2016 vừa qua tiếp tục cảnh báo nhiều nguy cơ mất an toàn trong việc bảo vệ môi trường của các nhà máy, cơ sở khai thác khoáng sản.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng thừa nhận, liên tiếp xảy ra những sự cố chất thải chảy ra môi trường cho thấy những bài học có vẻ ít được rút kinh nghiệm. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp phải có kế hoạch ứng phó với sự cố môi trường, nên hiện nhiều doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp đặt lợi nhuận kinh tế lên trên hết, không chú ý đến các biện pháp phòng ngừa gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Dương Tùng cho rằng: “Vụ việc này rất cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các doanh nghiệp, các mỏ khoáng sản. Còn rất nhiều doanh nghiệp coi trọng về kinh tế mà chưa chú ý đến bảo vệ môi trường nên các biện pháp phòng chống sụt lở, vỡ công trình khả năng xảy ra rất cao, chưa được chú ý nhiều.
Từ các bài học của các sự cố đã xảy ra cho thấy, khi đã xảy ra hậu quả là khôn lường và có thể ảnh hưởng đến cả tương lai của doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp phải chú ý ngay từ bây giờ”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 1000 điểm khai thác - chế biến khoáng sản có đăng ký hợp pháp, bên cạnh hàng trăm nghìn cơ sở khai thác bất hợp pháp khác. PGS.TS Phùng Chí Sỹ – Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, các sự cố xảy ra là không mong muốn.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp ý thức tốt hơn về các biện pháp bảo vệ môi trường, lực lượng chức năng ở địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm thì sẽ hạn chế được các sự cố xảy ra.
“Số lượng cơ sở khai thác khoáng sản bây giờ nhiều lắm mà người quản lý môi trường ở địa phương có rất ít. Nơi nào nhiều được 10-20 người. Địa phương ít thì có vài ba người, không giải quyết được hết. Muốn sự cố không xảy ra thì có nhiều yếu tố. Đầu tiên là doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức. Thứ hai là cơ quan thẩm tra, thẩm định phải chặt chẽ. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên thì sự cố mới có thể giảm bớt”- ông Chí Sỹ nhấn mạnh.
Cho đến thời điểm này, hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các doanh nghiệp bị xử phạt nặng nhất là đóng cửa cơ sở hoạt động, khai thác, chế biến. Rõ ràng, nếu không xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp để xảy ra sự cố cũng như lực lượng có chức năng thẩm định, giám sát ở địa phương, thì sẽ còn có những doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà coi nhẹ các biện pháp bảo vệ môi trường./.