Tranh cãi về đề xuất cử nhân tốt nghiệp đại học ở tuổi 20

(VOV) -Đề xuất của TS Lê Trường Tùng nhằm giảm thời lượng học, giúp người trẻ bước vào đời, có trách nhiệm xã hội sớm hơn.

Mới đây, trong một cuộc hội thảo, TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT đề xuất ý tưởng cải cách giáo dục mới. Theo phương án mà TS Tùng đề xuất thì kiến trúc giáo dục nên là ‘1-1-1-1’ thay cho kiểu kiến trúc ‘1- 4- 2 -1’ (1 tiểu học, 1 trung học, 1 cao đẳng và 1 đại học).

Theo lý luận của TS Tùng là: 1 tiểu học thời gian học là 5 năm, 1 trung học thời gian là 4 năm, 1 cao đẳng thời gian là 3 năm và 1 đại học thời gian là 3-4 năm.

Như vậy, chỉ cần học 9 năm, học sinh đã có bằng tốt nghiệp phổ thông. Sau đó được tùy ý lựa chọn ngành học mình yêu thích.

Đối với hệ THPT hiện nay, nên thay bằng 2 năm ‘dự bị đại học’ dành cho những ai muốn học tiếp đại học. Sau 2 năm này, học sinh có thể tự chọ lấy kết quả xét thi tuyển vào các trường đại học. Nếu như vậy sẽ giảm bớt được thời lượng thi, học đại học như hiện nay.
Đối với học sinh tốt nghiệp xong trung học có thể học cao đẳng, học trong thời gian 1,5 năm, những học sinh này có thể đi làm hoặc có thể học thêm nâng cao, sau đó có thể học liên thông đại học. 

Với ý tưởng về cấu trúc giáo dục mới, 15 tuổi, học sinh có bằng tốt nghiệp trung học (trước đây là 18), tuổi có bằng Cao đẳng/Cao đẳng Nâng cao là 17 - 18 (trước đây là 21), tuổi có bằng đại học là 20 - 21 (trước đây là 22 - 23).

Khi đưa vấn đề này ra trước công luận, rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ và cũng có nhiều ý kiến trái chiều với ý tưởng này.

Một số ý kiến cho rằng, đây là ý tưởng hay, sẽ tạo chơ hội cho chúng ta được bước vào đời sớm hơn vì đối với giáo dục ở nhà trường vẫn chủ yếu là học những điều căn bản, hơn thế nữa, nếu được tốt nghiệp sớm, người trẻ sẽ ít bị lãng phí thời gian. Hơn thế nữa, nếu người trẻ được ra đời sớm, nhận thức của họ sẽ sớm trưởng thành và như vậy sẽ giúp họ nhận thức sớm hơn với trọng trách của mình với xã hội, với gia đình.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm về ý tưởng trên. Trả lời trên báo Kiến thức, GS Hồ Ngọc Đại, chuyên gia giáo dục thực nghiệm cho rằng, giáo dục phổ thông của ta hiện nay đang thừa quá nhiều "rác". Cải cách học phổ thông xuống còn 9 năm là cách để thực hiện cách mạng giáo dục và cũng là cơ hội để vớt bớt "rác" của giáo dục phổ thông hiện nay. Nghĩa là cắt bớt những kiến thức thừa thãi, cải tiến phương pháp dạy học hiệu quả.
Báo này cũng dẫn lời ông Nguyễn Kế Hào - nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học cho biết, chương trình học phổ thông hiện tại vừa nặng vừa thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và lãng phí rất nhiều thời gian. Nhiều thứ học không mang tính ứng dụng, mất quá nhiều thời gian cho những thứ không cần thiết.

Trong khi đó, không ít ý kiến lo ngại nếu ra tốt nghiệp sớm, không ít cử nhân chưa đủ chín chắn, tâm lý chưa vững vàng, thì rất dễ choáng váng, vấp ngã khi bước vào đời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên